Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 1300/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025

Số hiệu 1300/KH-UBND
Ngày ban hành 12/04/2017
Ngày có hiệu lực 12/04/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1300/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 12 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 14-NQ/TU NGÀY 11 THÁNG 01 NĂM 2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH (KHÓA XIII) VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN GẮN VỚI TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025. Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất.

2. Yêu cầu

Tổ chức quán triệt sâu kỹ và triển khai đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố liên hệ với điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra.

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết phải được tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả; đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức có liên quan; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn ngày càng văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố và ngày càng vững mạnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu đến năm 2020, tập trung phát triển tạo chuyển biến nhanh, toàn diện nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của nông dân các vùng trong tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt bình quân 3,3 - 3,8%/năm; sản lượng lương thực đạt 811.000 tấn; sản lượng tôm giống đạt 28 tỷ post; tỷ lệ che phủ (gồm cả cây dài ngày) đạt 54 - 55%; kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đạt 195 triệu USD; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 98%, trong đó có 65% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo các hình thức đạt 65 - 70%, trong đó đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 27%; giải quyết việc làm khu vực nông thôn bình quân 14.200 lao động/năm; có 60% số xã và 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng tối thiểu 1,8 lần so năm 2015; giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn bình quân từ 1,1 - 1,3%/năm.

2.2. Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang tầm quốc gia; đầu tư hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng có vai trò động lực, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, có 85% số xã và 50% số huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo các hình thức đạt 75%, trong đó đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,04%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 3,2 lần so năm 2015; cơ bản xóa nghèo; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo và cải thiện rõ rệt mức sống người dân nông thôn của tỉnh.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11/01/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII)

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nghiên cứu, quán triệt sâu kỹ Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIII) và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về vai trò chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Sử dụng đa dạng các kênh thông tin, các phương tiện truyền thông để thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường các hình thức tập huấn, hội thảo cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng ở các cấp, các ngành, nhất là bộ phận liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Khẩn trương rà soát quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được phê duyệt; đồng thời, tiến hành rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, gắn với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Bình Thuận và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cấp huyện để cơ cấu lại quỹ đất phục vụ cơ cấu lại sản xuất và sản phẩm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản có lợi thế, có thị trường; trong đó, chú ý nâng cao chất lượng các quy hoạch, đảm bảo có tính hiệu quả, khả thi cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và đảm bảo khớp nối với quy hoạch kinh tế vùng và các quy hoạch chuyên ngành khác của tỉnh. Trước hết, khẩn trương hoàn thành Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời, tập trung rà soát, lập mới, điều chỉnh, bổ sung phù hợp quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

3. Tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững

3.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan: Triển khai thực hiện tốt tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo Đề án, Chương trình, Kế hoạch Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tổng thể và chuyên đề đã được phê duyệt gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

- Về trồng trọt: Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, quy mô lớn. Tiếp tục phát triển vững chắc các cây trồng chủ lực, lợi thế như thanh long, cao su, lúa, mủ trôm,…, nhân rộng mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao; sử dụng có hiệu quả và linh hoạt đất trồng lúa theo quy hoạch; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cây hằng năm và đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn (cây thức ăn chăn nuôi, bắp, rau sạch, các cây trồng khác theo nhu cầu thị trường). Kêu gọi đầu tư, phát triển cánh đồng lớn gắn với chế biến; áp dụng rộng rãi quy trình thực hành sản xuất tốt, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế nhằm nâng cao chất lượng thanh long Bình Thuận để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu.

- Về chăn nuôi: Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng tập trung phát triển nuôi trang trại công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao các con nuôi chủ lực (bò sữa, bò thịt chất lượng cao, heo hướng nạc, gà thịt và gà đẻ cao sản) gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, đồng thời chú ý củng cố chăn nuôi gia trại, nông hộ theo hướng an toàn, bền vững, tạo ra sản phẩm đặc sản có chất lượng, giá trị hàng hóa cao. Chú trọng sử dụng con giống chất lượng cao gắn với đẩy mạnh công tác quản lý, cải tạo giống. Tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất cấm, chất độc hại trong chăn nuôi; khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi.

- Về thủy sản: Phát triển toàn diện khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến tạo giá trị gia tăng ngày càng cao, giữ vững vai trò ngành chủ lực về xuất khẩu của tỉnh. Xây dựng, triển khai thực hiện tốt các chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính sách hỗ trợ ngư dân của Chính phủ, phát huy hiệu quả khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, quyền chủ quyền biển, đảo; tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản theo Quyết định số 375/QĐ-TTg, sắp xếp cơ cấu thuyền nghề, củng cố và phát triển tổ đội sản xuất trên vùng biển xa bờ gắn với hậu cần dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau khai thác. Phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng, chú ý các loài đặc sản, giá trị kinh tế cao gồm cả nước ngọt, lợ, mặn gắn với chuyển đổi phương thức nuôi theo hướng thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu; chú trọng đầu tư thâm canh, khuyến khích nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ mới, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) trong nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục giữ vững uy tín chất lượng tôm giống Bình Thuận, sớm hình thành các vùng sản xuất tôm giống tập trung, công nghệ cao. Phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản để duy trì, gia tăng khối lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu.

- Về lâm nghiệp: Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên. Rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển lâm nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ diện tích đất trồng rừng kinh tế, nâng tỷ lệ gỗ lớn; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, chất lượng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh rừng trồng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản phẩm khai thác, gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị và hiệu quả trồng rừng kinh tế.

- Về diêm nghiệp: Phát triển sản xuất muối ổn định theo quy hoạch; đồng thời, tổ chức sản xuất muối hợp lý theo yêu cầu thị trường, chú trọng bảo vệ môi trường; tiếp tục cải tạo, nâng cấp hạ tầng đồng muối, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến muối để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; nâng cao tỷ lệ muối qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả, cải thiện thu nhập cho diêm dân.

[...]