Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2024 quản lý và phát triển lâm sản trên địa bàn Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2024-2030

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 07/05/2024
Ngày có hiệu lực 07/05/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Nguyễn Ngọc Hè
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 07 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN LÂM SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Thực hiện Thông tư số 26/2022/TT-BNN&PTNT ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản, Thông tư số 22/2023/TT-BNN&PTNT ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành kế hoạch quản lý và phát triển lâm sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2024 - 2030, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lâm sản; ngăn chặn tình trạng mua bán, tiêu thụ lâm sản trái pháp luật; tạo điều kiện phát triển nghề sản xuất, kinh doanh lâm sản hợp pháp, góp phần nâng cao thu nhập cho tổ chức, cá nhân và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể

- Quản lý và kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi, sản xuất, kinh doanh lâm sản đúng quy định của pháp luật; ngăn chặn và xử lý kịp thời trường hợp lợi dụng gây nuôi, sản xuất, kinh doanh để tiêu thụ lâm sản có nguồn gốc không hợp pháp.

- Kiểm soát chặt chẽ điều kiện an toàn, bảo vệ môi trường, dịch bệnh trong hoạt động gây nuôi, sản xuất, kinh doanh lâm sản.

- Từng bước phát triển các cơ sở gây nuôi tập trung theo phương thức an toàn sinh học, giảm thiểu rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm liên quan đến động vật hoang dã.

- Phổ biến, nhân rộng các mô hình đem lại hiệu quả phù hợp tại địa phương và áp dụng các giải pháp gây nuôi, kiểm soát ngăn ngừa các vấn đề ô nhiễm, lây nhiễm chéo,...

- Tiếp nhận các loài động vật hoang dã do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, đưa vào cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật quản lý lâm sản

a) Mục đích: Nhằm tạo điều kiện nâng cao nhận thức, định hướng các tổ chức, cá nhân gây nuôi, sản xuất, kinh doanh lâm sản chấp hành các quy định của pháp luật và phát triển bền vững lâm sản.

b) Đối tượng tuyên truyền: Các tổ chức, cá nhân gây nuôi, sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản.

c) Nội dung tuyên truyền: Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản.

d) Hình thức, phương pháp thực hiện: Tổ chức lớp tuyên truyền, cung cấp tài liệu, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm sản đến tổ chức, cá nhân liên quan.

2. Khảo sát, thẩm định, cập nhật dữ liệu thông tin cơ sở gây nuôi, sản xuất, chế biến lâm sản

a) Mục đích: Nhằm quản lý, truy xuất thông tin dữ liệu về đối tượng quản lý, phục vụ cho lập kế hoạch kiểm tra, thực hiện công tác quản lý xác nhận nguồn gốc lâm sản; ngăn chặn hành vi sử dụng lâm sản chưa có nguồn gốc hợp pháp.

b) Nội dung và phương pháp thực hiện:

- Lập kế hoạch và tổ chức phối hợp khảo sát, kiểm tra, thẩm định thu thập thông tin đối tượng quản lý, tổng hợp thống kê, nhập dữ liệu.

- Thẩm định cơ sở, hộ nuôi và cập nhật dữ liệu.

- Bàn giao lâm sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước.

3. Tổ chức phối hợp kiểm tra, kiểm soát các điểm mua bán lâm sản

a) Mục đích: Nhằm xóa bỏ các điểm mua bán, cất giữ trái phép lâm sản trên địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ.

b) Nội dung và phương pháp thực hiện:

- Hàng năm, sử dụng nguồn dữ liệu kết hợp quá trình xác minh để xác định địa bàn trọng điểm, lên danh sách các điểm nóng mua bán, cất giữ trái phép lâm sản.

[...]