Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 92/KH-UBND về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Sơn La

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2023
Ngày có hiệu lực 03/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Tráng Thị Xuân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Sơn La, ngày 03 tháng 04 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG NĂM 2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Nghị định số 27/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình Mục tiêu quốc gia; Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, ngành trung ương; Nghị quyết số 20- NQ/TU ngày 21/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 (viết tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 90/QĐ-TTg, Nghị quyết số 20-NQ/TU và Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 02/12/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La; đầu tư trọng tâm, trọng điểm và bền vững.

- Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo có hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng nghèo; hỗ trợ sản xuất phù hợp nguyện vọng và điều kiện thực tiễn địa phương nhằm giúp người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất và mô hình giảm nghèo, có việc làm bền vững, tăng thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao mức sống và chất lượng sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; giảm dần khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các khu vực, các địa phương và các nhóm dân cư; từng bước xã hội hóa công tác giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bám sát các nhiệm vụ, nội dung hỗ trợ tại các Dự án thuộc Chương trình, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí thực hiện Chương trình, đúng quy định tài chính hiện hành; huy động, lồng ghép thêm nguồn lực trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.

II. MỤC TIÊU NĂM 2023

1. Giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 14,83%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo từ 4 - 5%.

2. Hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp); xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

3. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho khoảng 25.000 lao động, trong đó có trên 10% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở vùng nghèo, vùng khó khăn.

4. Hỗ trợ đào tạo 5.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó có 1.000 lao động thuộc các huyện nghèo; hỗ trợ đưa 44 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

5. 100% cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo và lập kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, người dân.

6. Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản:

- Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.

- Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế theo quy định; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26,1%.

- Chiều thiếu hụt về giáo dục: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 96%; Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 54% trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 20%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.

- Chiều thiếu hụt về nhà ở: Giảm tỷ lệ thiếu hụt về chất lượng nhà ở của hộ nghèo xuống còn 30%, hộ cận nghèo xuống còn 10%; giảm tỷ lệ thiếu hụt về diện tích nhà ở của hộ nghèo xuống còn 32%, hộ cận nghèo xuống còn 13%.

- Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 39% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Chiều thiếu hụt về thông tin: 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 72% hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo, kiến thức, kỹ năng, mô hình giảm nghèo hiệu quả thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên địa bàn tỉnh; ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

- Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo.

[...]