Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2021 thực hiện "Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Bình Định

Số hiệu 92/KH-UBND
Ngày ban hành 14/09/2021
Ngày có hiệu lực 14/09/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lâm Hải Giang
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/KH-UBND

Bình Định, ngày 14 tháng 09 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN “CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH THƯ VIỆN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Chương trình) và theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tại Văn bản số 1220/TTr-SVHTT ngày 06/9/2021, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh Bình Định như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.

2. Mục tiêu chủ yếu và định hướng

a) Mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025

- Thư viện công cộng tỉnh hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.

- Thư viện công cộng tỉnh, thư viện đại học có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).

- Phấn đấu 100% thư viện công cộng cấp huyện được trang bị phần mềm thư viện số tập trung liên kết với phần mềm thư viện tỉnh và có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến; thực hiện liên kết, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện.

- 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học có trong Thư viện tỉnh được số hóa và quản lý trên phần mềm thư viện số.

- 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại, thư viện số.

- 60% số thư viện trong tỉnh trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.

b) Định hướng đến năm 2030

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở loại hình thư viện cấp tỉnh, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền

a) Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người làm công tác thư viện ở địa phương về vai trò, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ngành thư viện đồng bộ với chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch (bảo tàng, di sản, du lịch...).

b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan; chú trọng biểu dương, tôn vinh những trường hợp đạt nhiều kết quả tích cực về chuyển đổi số để lan tỏa, nhân rộng.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách

a) Phối hợp rà soát, xây dựng mới hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan về lĩnh vực thư viện cần thiết để đáp ứng chuyển đổi số.

b) Từng bước xây dựng, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật về thư viện và ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện, số hóa tài nguyên thông tin, chuẩn hóa dữ liệu trong thư viện số, kết nối liên thông thư viện trong nước.

c) Có cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thư viện, hệ sinh thái số ngành văn hóa, thể thao và du lịch, trong đó có lĩnh vực thư viện; khuyến khích việc tài trợ và đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện.

3. Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của hệ thống thư viện công cộng của tỉnh

a) Xây dựng hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh có hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đáp ứng yêu cầu, các điều kiện của các dịch vụ thư viện số theo hướng kết nối mạng lưới hiện đại, linh hoạt. Có vốn tài nguyên thông tin phong phú, đa dạng đáp ứng yêu cầu, tiêu chí thư viện hiện đại, thư viện số.

b) Hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh, đặc biệt Thư viện tỉnh được tăng cường đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, tiện ích thư viện số, thư viện thông minh trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

4. Phát triển dữ liệu số ngành thư viện

[...]