Kế hoạch 91/KH-UBND năm 2024 về Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030

Số hiệu 91/KH-UBND
Ngày ban hành 04/04/2024
Ngày có hiệu lực 04/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nghiêm Xuân Cường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 04 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TUẦN HOÀN CHẤT THẢI RẮN HỮU CƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2030

Thực hiện Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022 - 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với chất thải rắn hữu cơ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo ra động lực tăng trưởng nhanh và bền vững cho tỉnh Quảng Ninh; góp phần thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, các chiến lược, chương trình, đề án phát triển có liên quan đến quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.

b) Chuyển đổi toàn diện từ tư duy đến hành động trong việc tiết kiệm, giảm thiểu chất thải rắn hữu cơ thông qua việc áp dụng các giải pháp nhằm tận dụng tối đa giá trị của sản phẩm thải bỏ, chất thải thực phẩm thông qua việc áp dụng các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

c) Thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý chất thải rắn hữu cơ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn hữu cơ hiện nay, đồng thời chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trong đó ưu tiên thực hiện phân loại, tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ, hạn chế tối đa việc phát sinh chất thải thứ cấp cần xử lý.

2. Yêu cầu

a) Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ là trách nhiệm và được thực hiện ở các quy mô từ cấp độ hộ gia đình đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

b) Phân công nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; sự đồng bộ, chặt chẽ trong phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch, gắn liền với đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

c) Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện tiếp nhận tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ dựa trên nền tảng chuyển đổi số toàn diện.

d) Các sản phẩm của quá trình tái chế, tái sử dụng, tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo chất lượng, được cộng đồng dân cư, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh ưu tiên sử dụng, góp phần triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

a) Chất thải rắn hữu cơ phải được xem là nguồn tài nguyên và phải được phân loại, thu gom, quản lý, tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân có chức năng thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn để giảm phát sinh, giảm tác động xấu đến môi trường trong tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và thải bỏ.

b) Từng bước nâng cao nhận thức, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguyên liệu, vật liệu và sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, giảm thiểu việc thải bỏ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải rắn hữu cơ.

c) Thực hiện tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ là quyền lợi và trách nhiệm của toàn xã hội. Các tổ chức, doanh nghiệp chủ động phát huy trách nhiệm xã hội, đổi mới kỹ thuật, giảm phát thải vả liên kết, thiết lập các vòng tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ. Cộng đồng dân cư tích cực tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn, hướng tới tiêu dùng bền vững, phong cách sống thân thiện môi trường, sẵn sàng chi trả các sản phẩm thân thiện môi trường.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trở thành cách tiếp cận, giải pháp hữu ích trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phải được đưa vào từ giai đoạn xây dựng, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển thực hành tốt về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Lượng phân bón hữu cơ sản xuất quy mô nông hộ, nông trại được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt tối thiểu 25.000 tấn/năm.

- Tỷ lệ phụ phẩm trồng trọt được thu gom và tuần hoàn đạt 80%.

- Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại đô thị được tuần hoàn đạt 50%.

- Tỷ lệ chất thải rắn hữu cơ tại nông thôn được tuần hoàn đạt 30%.

- Tỷ lệ phụ phẩm của công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm được thu gom và tuần hoàn đạt 50%.

- Mỗi địa phương có ít nhất 01 điểm, vùng liên kết tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ.

[...]