Kế hoạch 90/KH-UBND về phòng, chống thiên tai năm 2022 tỉnh Lào Cai

Số hiệu 90/KH-UBND
Ngày ban hành 11/03/2022
Ngày có hiệu lực 11/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/KH-UBND

Lào Cai, ngày 11 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI NĂM 2022 TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2020;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/07/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai;

Căn cứ Thông tư số 02/2021/TT-BNNPTNT ngày 07/6/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương; Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT ngày 22/12/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội;

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai hiệu quả; UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2022 tỉnh Lào Cai” làm cơ sở để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1.1. Mục đích

a) Làm cơ sở đề tổ chức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm tối đa thiệt hại, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

b) Tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực, tính chủ động của toàn xã hội trong phòng chống thiên tai, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống thiên tai; kết hợp giữa phòng chống thiên tai với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

c) Huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm nhẹ thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, hạn chế sự phá hoại của thiên nhiên; góp phần quan trọng vào phát kinh tế, xã hội bền vững.

1. 2. Yêu cầu

a) Việc thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai năm 2022 phải bám sát nội dung: Chỉ thị 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ; Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/07/2021 của Chính phủ; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ; Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 24/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;...

b) Thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai phải lồng ghép với: Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định số 4399/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Quyết định số 4709/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh; bám sát nội dung Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 25/3/2021 về Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và phải gắn với thực hiện kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương.

c) Thực hiện Kế hoạch Phòng, chống thiên tai phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa, bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, sạt lở đất, rét đậm, rét hại... và các hiện tượng khí tượng, thủy văn nguy hiểm; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Xác định cụ thể nội dung, nhiệm vụ để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ Phòng, chống thiên tai.

II. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

2. 1. Nội dung thực hiện

2. 1. 1. Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách

a) Trong năm 2022, ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai. Tiếp tục tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, phù hợp với các loại hình thiên tai và đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương.

b) Tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ, minh bạch, không chồng chéo để huy động nguồn lực hỗ trợ phòng ngừa, ứng phó, phục hồi sản xuất, môi trường sau thiên tai; các cơ chế giám sát đối với các hoạt động phòng chống thiên tai. Lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là vùng ven sông, ven suối, khu vực đông dân cư, khu vực hay xảy ra thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

2.1.2. Tuyên truyền phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức: Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 24/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình số 334-CTr/TU ngày 25/6/2020 của Tỉnh ủy; Hướng dẫn số 143-HD/BTGTW ngày 29/7/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Hướng dẫn số 138-HD/BTGTW ngày 07/8/2020 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ; Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ;...

Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, ngôn ngữ, phương thức truyền thông để phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai tới cộng đồng phù hợp với từng đối tượng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng các phương tiện truyền thông, lưu động, mạng xã hội tiếp nhận thông tin phản hồi của người dân vì một xã hội an toàn trước thiên tai. Huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng chiến lược, hoạch định chính sách; đề xuất và triển khai kế hoạch, chương trình, dự án trong hoạt động tuyên truyền phòng ngừa thiên tai. Xây dựng và ban hành tạp chí, tờ rơi, phim tài liệu, phóng sự, Zalo, facebook,...về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2.1.3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ huy, chỉ đạo, đào tạo nguồn nhân lực

Chỉ đạo các Sở, ngành, cấp huyện, cấp xã kiện toàn hệ thống hoạt động về lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao năng lực hoạt động chỉ đạo, chỉ huy điều hành của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 09/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tập huấn bằng phương thức phù hợp cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai; diễn tập nâng cao năng lực trình độ phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

2.1.4. Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

a) Tăng cường sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội, khu dân cư, cộng đồng trong quá trình xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai; đề xuất và thực hiện các chương trình, kế hoạch liên quan đến công tác phòng chống thiên tai; chú trọng sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khi lập phương án phòng chống thiên tai cấp xã. Tập huấn, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về giảm nhẹ rủi ro thiên tai với cộng đồng và người dân; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực tại cộng đồng, các sự kiện văn hóa cấp xã, thôn, bản, tại các buổi tuyên vận thôn, bản...

b) Đẩy mạnh hoạt động xây dựng thôn, bản, xã an toàn thiên tai trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Từng bước xây dựng hệ thống truyền tin cảnh báo thiên tai từ trung tâm cấp xã về các thôn bản và người dân. Tổ chức diễn tập phương án ứng phó thiên tai cấp xã để nâng cao nhận thực cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai trong cộng đồng. Người dân ở các khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt,... được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh, ứng phó với thiên tai. Triển khai, thực hiện tốt Kế hoạch số 291/KH-UBND ngày 07/7/2021 của UBND tỉnh.

2.1.5. Khoa học công nghệ: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao hiệu quả phòng chống thiên tai, trong đó tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số, viễn thám trong quan trắc, theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý, vận hành công trình phòng chống thiên tai và chỉ đạo điều hành phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Ứng dụng khoa học công nghệ trong giám sát biến động sạt lở bờ sông, bờ suối, sạt lở đất khu dân cư...; xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý, bản đồ rủi ro thiên tai; thông tin liên lạc, quan trắc, quản lý vận hành hồ. Nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối.

[...]