Kế hoạch 88/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 88/KH-UBND
Ngày ban hành 31/05/2021
Ngày có hiệu lực 31/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 31 tháng 5 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ VỚI BẠO LỰC TRÊN CƠ SỞ GIỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Văn bản số 212/LĐTBXH-BĐG ngày 26/01/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng này thông qua việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

2. Các chỉ tiêu đến năm 2025

- Tối thiểu 50% người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ.

- 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.

- 100% cán bộ theo dõi công tác bình đẳng giới cấp huyện, cấp xã được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực học đường.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng

- Triển khai chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể của địa phương trong "Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới"; hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; "Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình". Chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, thanh thiếu niên nhằm tạo sự thay đổi trong xã hội như: Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, hội thảo, tập huấn, đối thoại, hội thi kiến thức, kỹ năng, giao lưu nghệ thuật, các hoạt động thể thao, văn nghệ quần chúng, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,…

- Biên soạn và phát hành, xuất bản, nhân bản các tài liệu, sản phẩm truyền thông về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

- Biểu dương, tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

2. Duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả các mô hình, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Tiếp tục duy trì và nhân rộng Mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng dành cho người bị bạo lực, người có nguy cơ bị bạo lực, người gây bạo lực và người có nguy cơ gây bạo lực tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

- Xây dựng và triển khai các mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; Mô hình thành phố/làng quê an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em; Mô hình nam giới tiên phong trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật; Mô hình phòng, chống quấy rối tình dục tại doanh nghiệp, ... theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan chủ trì triển khai mô hình.

3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên phụ trách lĩnh vực liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới

- Xây dựng, biên soạn, phát triển các tài liệu tập huấn, tổ chức các khóa tập huấn kiến thức, kỹ năng liên quan đến công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

- Tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm, đối thoại chính sách, nói chuyện chuyên đề, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới.

4. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

- Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới định kỳ hoặc đột xuất.

- Lồng ghép công tác kiểm tra về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn có liên quan của các ngành tại địa phương.

[...]