Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2013 thực hiện Chỉ thị 22/CT-TTg về tăng cường thực hiện nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 86/KH-UBND
Ngày ban hành 10/12/2013
Ngày có hiệu lực 10/12/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Vũ Thị Bích Việt
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 10 tháng 12 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 22/CT-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay” và các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011 – 2015 trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao nhận thức của các cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể; của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong phòng chống mại dâm, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh về công tác phòng chống tệ nạn mại dâm; tạo sự đồng thuận và quyết tâm của toàn xã hội trong công tác phòng chống mại dâm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý cơ sở, địa bàn không để phát sinh ổ nhóm, tụ điểm mới về tệ nạn mại dâm, góp phần đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền và sự tham gia tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong đấu tranh phòng, chống mại dâm.

Các sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống mại dâm trong tình hình hiện nay.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp Ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý; coi hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn mại dâm là một trong những chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm đối với tổ chức, cá nhân. Tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên có hành vi thiếu trách nhiệm bao che, dung túng, tham gia tệ nạn mại dâm.

2. Thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng tệ nạn mại dâm trên địa bàn, thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp theo Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015. Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm, kịp thời phát hiện, triệt xoá, các tụ điểm, đường dây, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; đưa truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến hoạt động mại dâm.

3. Thường xuyên, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các địa bàn trọng điểm.

4. Xây dựng và nhân rộng mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý; cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người bán dâm tiếp cận, sử dụng các dịch vụ can thiệp dự phòng, khám và điều trị HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chương trình điều trị Methadone cho người bán dâm có sử dụng ma túy; hỗ trợ người bán dâm giảm các tổn thương bị lừa gạt, bạo lực, bóc lột tình dục; giảm kỳ thị của xã hội cho phụ nữ, đặc biệt là trẻ em vị thành niên bị lôi kéo vào hoạt động mại dâm; việc hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm sau khi bị xử lý hành chính theo hướng dẫn tại công văn số 2335/LĐTBXH-PCTNXH ngày 27/6/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; kỹ năng sống, trợ giúp xã hội, hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững.

5. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước, công tác xã hội để làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở địa phương; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong đấu tranh phòng, chống mại dâm, xây dựng xã, phường, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.

6. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, nêu gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, những địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời phê phán những địa phương để tệ nạn mại dâm gia tăng. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với các đối tượng cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm.

7. Tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác chuyển hoá địa bàn, đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; rà soát, đánh giá các mô hình, biện pháp phòng, chống mại dâm có hiệu quả để phát triển nhân rộng.

8. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp; phân công nhiệm vụ, phân công địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành; tăng cường công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới. Địa bàn nào để tình hình mại dâm gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân, Ban chỉ đạo tỉnh. Duy trì chế độ họp, sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tệ nạn mại dâm cấp tỉnh)

- Chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện thành phố tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2011- 2015 và Kế hoạch này.

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách, giải pháp phòng, chống mại dâm; tổng kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm tiếp cận và sử dụng các dịch vụ trợ giúp xã hội tại cộng đồng.

- Thực hiện tiếp nhận hỗ trợ người bán dâm vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội khi họ có yêu cầu được hỗ trợ trước khi trở về cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

- Định kỳ 6 tháng, 01 năm, đột xuất, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị với Ủy ban nhân dân tỉnh theo qui định.

2. Công an Tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp xác định địa bàn phức tạp về tệ nạn mại dâm, đối tượng có hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm, chú trọng đến các loại tội phạm mua bán người vì mục đích mại dâm; chỉ đạo xác minh, xác định, phân loại nạn nhân bị mua bán trong các vụ việc, vụ án điều tra tội phạm liên quan đến mại dâm; tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về mại dâm; làm tốt công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, đặc biệt là các nhà nghỉ, khách sạn, các cơ sở lưu trú ... , nơi có điều kiện, khả năng liên quan đến hoạt động mại dâm.

[...]