Kế hoạch 842/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 842/KH-UBND
Ngày ban hành 04/03/2014
Ngày có hiệu lực 04/03/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 842/KH-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 3 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Thực hiện Công văn số 4496/BTNMT-TCBHĐVN ngày 05 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò chiến lược của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các nguồn tài nguyên biển của tỉnh theo hướng bền vững, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền an ninh quốc phòng trên vùng biển của tỉnh.

Đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã và đang thực hiện phù hợp với điều kiện của tỉnh; khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện trong thời gian qua; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia vùng biển tỉnh Bến Tre.

2. Yêu cầu:

- Tổ chức quán triệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Kế hoạch đã đề ra.

- Việc triển khai thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của ủy ban nhân dân tỉnh phải được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ và có hiệu quả.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chiến lược biển:

Quán triệt nội dung Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và thông tin về biển, đảo trong đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, vị trí chiến lược của biển và hải đảo, vai trò của ngành tài nguyên và môi trường trong thực hiện chức năng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển; nâng cao hiểu biết pháp luật về Luật Biển Việt Nam và Luật pháp Quốc tế về Biển.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm, nhân các sự kiện về môi trường, biển và đại dương như: Ngày Môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6), Ngày Đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6).

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, kênh thông tin, các phương tiện truyền thông để thông tin kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển, đến mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng nội dung giáo dục về biển đảo trong nhà trường, phù hợp với từng cấp học; tạo ý thức trách nhiệm cho thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, hải đảo, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Tổ chức tập huấn, hội thảo cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng đối với các cấp chính quyền, các ngành, các đoàn thể về nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.

2. Tập trung triển khai quy hoạch các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có liên quan đến biển:

Tập trung triển khai các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành kinh tế biển và kết cấu hạ tầng vùng biển đến năm 2020 đã được phê duyệt gắn với thực hiện Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 19 tháng 4 năm 2007 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 2898/KH-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2008 của ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 11 của Tỉnh ủy về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo “Đề án phát triển toàn diện 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đến năm 2020” của tỉnh Bến Tre.

Tiếp tục triển khai các đề án, dự án đã được phê duyệt để thu hút nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành có lợi thế, đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế biển của tỉnh như: Phát triển kinh tế thủy sản, du lịch sinh thái biển, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển nhất là giao thông, cụm công nghiệp, khu đô thị biển, xây dựng mới cảng cá, hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt, công trình phòng chống thiên tai, đê biển, khu neo đậu trú bão, xây dựng tuyến phòng thủ gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng trên vùng biển của tỉnh.

Quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với “Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học”; phát triển kết cấu hạ tầng vùng biển phải gắn với “Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011- 2015 của tỉnh Bến Tre” trong cùng thời kỳ, đảm bảo sử dụng quỹ đất đúng quy hoạch, có hiệu quả; tiến hành xác lập pháp lý diện tích 8 cồn nổi xa bờ trên vùng biển của tỉnh thuộc 3 huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, giao ủy ban nhân dân 03 huyện ven biển quản lý, khai thác nhằm phát triển tiềm năng kinh tế biển của tỉnh.

3. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2020:

3.1. Phát triển kinh tế thủy sản vùng biển:

Tiến hành rà soát, tổ chức lại các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, gắn với tái cơ cấu đội tàu khai thác, bảo vệ và phát triển các ngư trường, nguồn lợi thủy sản, nâng cao thu nhập, mức sống của ngư dân. Nâng cao chất lượng đội tàu đánh bắt xa bờ, giảm đánh bắt gần bờ. Cải thiện cơ cấu sản lượng khai thác, ổn định sản lượng khai thác vùng ven bờ, tăng sản lượng khai thác. Chú trọng công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, đánh giá nguồn lợi thủy sản và giám sát mức độ đánh bắt, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống dữ liệu thủy sản.

Xây dựng cơ chế đồng quản lý về quyền khai thác và quyền hưởng lợi từ nguồn lợi thủy sản; giúp ngư dân tiếp cận các cơ chế, chính sách, công cụ thị trường đồng thời áp dụng các biện pháp hành chính, chế tài hợp lý để điều tiết hoạt động khai thác đảm bảo nguồn lợi thủy sản trong giới hạn phục hồi, nhất là các vùng biển ven bờ; bảo vệ và nâng cao khả năng chống chịu của nguồn lợi thủy sản trước tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2015-2020.

Tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ khai thác hải sản bao gồm hệ thống cảng cá, địa bàn trọng điểm nghề cá; tàu thu mua, thu gom, sơ chế trên biển; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ bảo quản trong và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ thất thoát, đảm bảo chất lượng nguyên liệu trong chế biến và tiêu dùng; xây dựng khu liên hiệp cảng cá, làng cá tại các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú để hình thành mô hình liên kết chuỗi giá trị trong nghề cá từ đánh bắt trên biển đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

3.2. Phát triển nông, lâm nghiệp trên các vùng ven biển:

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương. Khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành gắn với phát triển mạnh công nghiệp chế biến, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Phát triển hệ thống thủy lợi đối với các vùng bị xâm nhập mặn của tỉnh phục vụ canh tác, tưới tiêu; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư. Chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi hộ gia đình sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; chuyển dịch cơ cấu đàn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định.

Phát triển lâm nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và giữ vững an ninh quốc phòng vùng ven biển. Tổ chức quản lý tốt diện tích rừng hiện có, mở rộng diện tích và nâng cao năng suất rừng trồng, tăng cường các hoạt động lâm - ngư - nghiệp kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất trống phù hợp cho phát triển lâm nghiệp; đảm bảo hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường của vùng rừng ngập mặn ven biển. Thực hiện công tác giao đất, giao rừng tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, mức sống của người dân; góp phần xoá đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh - quốc phòng vùng ven biển. Thực hiện có hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng, phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiên tai, chống xói lở bờ biển, bảo vệ môi trường sống.

[...]