Kế hoạch 83/KH-UBND đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đến 2015

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2012
Ngày có hiệu lực 11/06/2012
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thị Bích Ngọc
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ NỘI ĐẾN 2015

Thực hiện Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/09/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 9/6/2009 của Thành ủy Hà Nội về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 10/06/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn Thành phố đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đến năm 2015, với các nội dung cụ thể như sau:

I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

1. Công tác chỉ đạo, điều hành:

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về nhiệm vự ứng dụng công nghệ thông tin, UBND Thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GD&ĐT Hà Nội cho các đơn vị quản lý giáo dục (bao gồm Sở,các Phòng GD&ĐT Quận, Huyện, Thị xã) và các cơ sở giáo dục (bao gồm các trường mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung cấp chuyên nghiệp trực thuộc, Trung tâm KTTH, TTGDTX) trên địa bàn thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục phục vụ công tác dạy và học.

UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 111/KH-UB ngày 19/9/2011- Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô giai đoạn 2011 - 2016 nhằm mục tiêu: Tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô Hà Nội theo hướng chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô và đất nước, trong đó chú trọng nâng cao trình độ và năng lực sử dụng CNTT cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, cơ chế, chính sách quản lý để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT còn chưa đầy đủ và cụ thể, nên chưa khuyến khích mạnh mẽ các cơ sở giáo dục đầu tư cho ứng dụng CNTT. Chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên phụ trách CNTT trong các trường học chưa thật thỏa đáng nên chưa thu hút được cán bộ, giáo viên, nhân viên giỏi về CNTT tham gia phục vụ tốt cho Ngành GD&ĐT.

2. Hạ tầng công nghệ thông tin

2.1. Hệ thống truyền dẫn:

Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các nhà cung cấp dịc vụ trên địa bàn kết nối mạng Internet băng thông rộng đến tất cả các đơn vị trong toàn ngành. Tại cơ quan Sở, tất cả máy tính của cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan được kết nối Internet thông qua hệ thống VLAN với 200 nút mạng. Tất cả Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã đều đã có đường kết nối Internet đến từng máy tính của cán bộ, chuyên viên.

Hạn chế: Hệ thống mạng nội bộ của các đơn vị quản lý giáo dục cần được bổ sung thiết bị bảo đảm an toàn thông tin, hệ thống máy chủ còn thiếu, chưa triển khai mạng diện rộng. Tại các cơ sở trường học hệ thống mạng nội bộ chưa đồng bộ.

2.2. Máy tính phục vụ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, dạy và học:

Hiện nay, 100% công chức, viên chức cơ quan Sở đã được trang bị máy tính kết nối mạng internet; trên 80% cán bộ quản lý của các cơ sở Giáo dục được trang bị máy tính để làm việc. Các trường Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và Trung học phổ thông (THPT) về cơ bản đã có đủ số lượng máy tính phục vụ học tin học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo – đạt tỷ lệ 19 học sinh/01 máy tính. Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX) đạt tỷ lệ 17 học sinh/01 máy tính. Cấp Trung học cơ sở (THCS) đạt tỷ lệ 30 học sinh/01 máy tính. Cấp Tiểu học đạt tỷ lệ 47 học sinh/01 máy tính. Cấp mầm non có 28% các trường có máy tính phục vụ quản lý, dạy và học.

Hạn chế: Máy tính cho giáo viên phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ chưa được quan tâm đúng mức. Đa số giáo viên có máy tính là do cá nhân tự trang bị - chiếm khoảng 10%. Cấp THCS còn 40% số trường thiếu phòng thực hành máy tính cho học sinh học tin học. Cấp tiểu học còn 53% số trường thiếu phòng thực hành máy tính cho học sinh học tin học. Cấp học mầm non còn 72% số trường chưa đủ máy tính phục vụ quản lý, dạy và học.

3. Ứng dụng Công nghệ thông tin

3.1. Công tác dạy và học tin học:

Hiện nay, có 29,5 % học sinh Tiểu học đã được học Tin học tự chọn theo Quyết định số 50/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/10/2003 của Bộ GD&ĐT; 62,2% học sinh THCS được học tin học tự chọn và học nghề tin học theo hướng dẫn số 8607/BGDĐT-GDTrH ngày 16/8/2007 của Bộ GD&ĐT; 100% học sinh THPT, TCCN đã được học tin học theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Số học sinh từ lớp 3 trở lên được học tin học đạt tỷ lệ là 45,9%.

UBND Thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT xây dựng kho học liệu điện tử trực tuyến http://daotao.hanoi.edu.vn, được đông đảo giáo viên tham gia khai thác chia sẽ dữ liệu, cùng xây dựng đóng góp bài giảng thêm phong phú, hấp dẫn. 65% giáo viên Hà Nội xây dựng bài giảng có ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy học. Sở GD&ĐT định hướng các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, đầu tư các phần mềm dạy học các môn cơ bản và môn chuyên ngành.

Hạn chế: Kinh phí đầu tư cho phần mềm dạy học còn rất nhỏ. Tổng kinh phí đầu tư mỗi năm của tất cả các trường học cho mua phần mềm dạy học là 8,6 tỷ đồng. Việc áp dụng phần mềm giảng dạy, phần mềm chuyên ngành còn mang tính phong trào, chưa đi vào chiều sâu, chưa được đầu tư một cách đồng bộ, thường xuyên.

3.2. Công tác quản lý, điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ.

Hệ thống thư điện tử của ngành GD&ĐT được xây dựng từ năm 2003 đến nay đã có trên 4.000 địa chỉ cho toàn bộ cán bộ, chuyên viên trong cơ quan Sở, Phòng GD&ĐT và tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn Thành phố.

Cấp học Phổ thông và TCCN đã được Sở GD&ĐT triển khai sử dụng đồng bộ các phần mềm: quản lý thi và tuyển sinh, cung cấp thông tin kịp thời có hiệu quả trong các kỳ thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp; phần mềm quản lý kết quả học tập và rèn luyện học sinh THCS đã phát huy hiệu quả cao trong công tác quản lý, dạy và học tại các nhà trường; phần mềm thống kê EMIS, thống kê nhân sự PMIS, quản lý cơ sở vật chất VMIS do Bộ GD&ĐT cung cấp; phần mềm quản lý tài chính được triển khai đồng bộ đến các đơn vị trực thuộc. Hiện nay, 86% trường THCS, 69% trường THPT công lập đã sử dụng phần mềm dùng chung để quản lý học sinh và kết quả học tập; 100% trường trung cấp chuyên nghiệp sử dụng phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, 12/41 trường tự trang bị phần mềm quản lý kết quả học tập học sinh theo “Quy chế đào tạo trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy” ban hành kèm theo Quyết định số 40/2007/TCCN ngày 28/6/2007 của Bộ GD&ĐT.

Hạn chế: Cơ sở dữ liệu học sinh toàn ngành được lưu trữ phân tán trên các máy tính quản lý của các cơ sở giáo dục, do đó việc quản lý giáo dục và thống kê giáo dục chưa được kịp thời, hiệu quả thấp, số liệu báo cáo chưa được thống nhất, chưa được kết nối với trang thông tin điện tử của ngành và bộ phận một cửa nên phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả chưa cao.

3.3. Phục vụ người dân:

Trang tin điện tử của Ngành GD&ĐT http://daotao.hanoi.edu.vn được xây dựng từ năm 2000, đăng tải 51/51 thủ tục hành chính đạt mức độ 1, kịp thời thông tin, truyền đạt các văn bản chỉ đạo từ Sở xuống các phòng, ban, đơn vị, hỗ trợ báo cáo số liệu cho toàn ngành một cách có hiệu quả, nhất là trong các kỳ thi tuyển sinh, tốt nghiệp; 17% đơn vị trường học đã xây dựng và duy trì trang thông tin điện tử riêng đặt địa chỉ lên trang tin của Ngành.

Hạn chế: Bố cục của trang tin chưa được thuận tiện cho người đọc, còn khó khăn cho cộng tác viên khi đăng tin. Thông tin giới thiệu một chiều chưa đảm bảo việc cung cấp thông tin theo điều 28 Luật CNTT. Hệ thống quản lý hồ sơ hành chính một cửa và một cửa liên thông với các phòng, ban của cơ quan Sở chưa được hoàn thiện. Những hạn chế nêu trên đòi hỏi trang tin điện tử của Ngành GD&ĐT cần phải nâng cấp.

4. Trình độ, năng lực ứng dụng Công nghệ thông tin

[...]