Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2020 về triển khai Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 07/08/2020
Ngày có hiệu lực 07/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 83/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 07 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 21/CT-TTG NGÀY 25/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA, XỬ LÝ HOẠT ĐỘNG LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

Triển khai Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Chỉ thị số 21), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 21 gắn với thực hiện các văn bản chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng đến mọi tầng lớp nhân dân.

- Đánh giá thực trạng, tình hình hoạt động của tội phạm và xác định những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ phát sinh hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: Tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp..., đặc biệt là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, khắc phục có hiệu quả.

2. Yêu cầu

- Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kết hợp đấu tranh quyết liệt với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Quá trình tổ chức thực hiện phải đảm bảo nghiêm túc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, kiên quyết không để tội phạm hoạt động phức tạp.

II. NỘI DUNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Kết luận số 05-KL/TW ngày 15/7/2016 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư (khoá XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; các Chương trình, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

2. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và phòng ngừa, tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong sở hữu tài sản.

3. Tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng...; tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình, nhất là các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Xác định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu, cấp ủy, chính quyền địa phương trong phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

5. Rà soát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật ở địa phương để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan đến phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, không gian mạng, xuất khẩu lao động… Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định cho phù hợp, khắc phục những sơ hở, thiếu sót không để tội phạm lợi dụng.

6. Tập trung lực lượng, nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, giải quyết triệt để các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là vụ việc có dấu hiệu của tội phạm có tổ chức, gây bức xúc dư luận.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp trong công tác phòng ngừa, xử lý có hiệu quả tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn, hậu quả do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra và các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, doanh nghiệp, trong đó chú ý sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội; tổ chức có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” tại các địa bàn trọng điểm; thường xuyên rà soát, xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và những vướng mắc trong quy định của pháp luật về phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời tham mưu khắc phục, kiến nghị sửa đổi.

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ hoạt động của đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tập trung lực lượng điều tra, xử lý tội phạm và triệt để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt khi xảy ra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, nhất là các nguồn tin liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Sở Tư pháp

- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập liên quan đến phòng ngừa, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật, nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên, người thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh, góp phần phòng ngừa sai phạm, tiếp tay cho hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

[...]