ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 814/KH-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 22 tháng 3 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TỔ
CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN
ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2021
Căn cứ chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013
của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;
Căn cứ Quyết định số 87/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm
2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động;
Căn cứ Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20 tháng 02
năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức Tháng hành động
về an toàn, vệ sinh lao động;
Căn cứ Kế hoạch số 45/KH-BCĐTƯ ngày 07 tháng 01 năm
2021 của Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương về
Kế hoạch triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tại Tờ trình số 4500/TTr-SLĐTBXH ngày 08 tháng 02 năm 2021 về Kế hoạch tổ chức
các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021;
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế
hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
năm 2021 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Tháng hành động)
như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Tăng cường công tác truyền truyền, nâng cao ý thức,
nhận thức, thúc đẩy các hoạt động cụ thể để cải thiện điều kiện lao động đến
người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công
tác an toàn, vệ sinh lao động; đồng thời đẩy mạnh các chương trình phòng ngừa
tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình.
2. Yêu cầu:
Tổ chức các hoạt động có hiệu quả, thiết thực, phù
hợp với điều kiện lao động, sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở; đảm bảo tuyên
truyền, vận động thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ,
địa phương và an toàn sức khỏe cho người lao động, cộng đồng.
II. CHỦ ĐỀ THÁNG HÀNH ĐỘNG
“Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi
ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”
III. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI TRIỂN
KHAI
1. Thời gian:
Thời gian tổ chức: từ ngày 01 tháng 5 đến ngày 31
tháng 5 năm 2021.
Thời gian tổng kết, báo cáo, đánh giá kết quả thực
hiện: tháng 7 năm 2021.
2. Phạm vi triển khai: Trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh.
IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Hoạt động truyền thông,
tuyên truyền:
1.1. Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ
thông tin, mạng xã hội, trên báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng để
tuyên truyền về các chế độ chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro gây tai
nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến các doanh nghiệp, đơn vị, người lao động
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
1.2. Thực hiện đăng tải các tin, bài, xây dựng
và phát sóng các thông điệp, phóng sự cảnh báo phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp; gửi tin nhắn tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động qua điện
thoại di động; phát các sổ tay, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn với nhiều hình thức
đa dạng, phong phú, thiết thực và có hiệu quả tuyên truyền lan tỏa sâu rộng.
1.3. Tổ chức tuyên truyền cổ động Tháng hành
động bằng tranh áp-phích, pa-nô, băng-rôn, cờ phướn trên các trục đường chính của
Thành phố Hồ Chí Minh, tại các Khu chế xuất và công nghiệp, các doanh nghiệp,
khu trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, bệnh viện, trường học và các khu vực
thường xuyên tập trung đông người.
1.4. Tổ chức các hoạt động thực hành, thao
diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động; cập nhật, bổ sung hoàn
thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động cho người sử
dụng lao động tại khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
2. Hoạt động tổ chức mít tinh,
diễn tập:
Tổ chức mít tinh hoặc diễn tập phương án xử lý sự cố
kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp tại
các nơi có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các doanh nghiệp
có nhiều lao động, các khu vực đông người như:
- Khu chế xuất và khu công nghiệp.
- Công trường xây dựng sử dụng nhiều thiết bị và có
nhiều lao động.
- Khu dân cư, khu vực thường xuyên tập trung đông
người.
3. Tổ chức hoạt động thi đua thực
hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động và đảm bảo môi trường làm việc an
toàn, vệ sinh, xanh, sạch, đẹp:
3.1. Phát động phong trào thi đua “Xanh - Sạch
- Đẹp - Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý
thức của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội trong việc
chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp và sự cố mất an toàn lao động.
3.2. Tổ chức tập huấn đội ngũ mạng lưới an
toàn vệ sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro về an
toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, chia sẻ rộng rãi các sáng kiến ứng dụng
công nghệ thông tin để cải thiện điều kiện lao động; các đơn vị, doanh nghiệp
tùy theo điều kiện, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các phong
trào thi đua phù hợp theo chủ đề của Tháng hành động và tuyển chọn đơn vị tham
gia hội thi an toàn, vệ sinh viên giỏi toàn quốc lần thứ 4.
4. Tổ chức các hoạt động hội
nghị, hội thảo:
Tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về an toàn, vệ
sinh lao động trong lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp, nhận diện mối nguy cơ rủi ro cao và đưa ra các biện pháp phòng ngừa
như: sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị áp lực, an toàn điện, hàn cắt kim loại,
phòng ngừa ngã cao, vật rơi.
Tổ chức hội thảo giao lưu chia sẻ kinh nghiệm thực
hiện triển khai chính sách an toàn, vệ sinh lao động, tham quan các mô hình điển
hình làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.
5. Hoạt động kiểm tra công tác
an toàn, vệ sinh lao động:
Tăng cường kiểm tra các hoạt động phối hợp giữa các
sở, ban, ngành trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát an toàn, vệ sinh
lao động; đôn đốc kiểm tra việc triển khai thực hiện về an toàn, vệ sinh lao động
tại các doanh nghiệp, ngành nghề có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp như: xây dựng, hóa chất, làm việc trong không gian hạn chế, khu vực
phi kết cấu; việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt
về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện an toàn,
vệ sinh lao động.
5.1. Cấp Thành phố Hồ Chí Minh: Tổ chức đoàn
kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát và đôn đốc thành phố Thủ Đức
và các quận, huyện, doanh nghiệp, đơn vị, công trường lớn trong công tác chuẩn
bị, tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động, thực hiện các
quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
5.2. Cấp sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh;
thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp;
Khu Công nghệ cao; Khu Nông nghiệp công nghệ cao; các Tổng công ty: chủ động tổ
chức đợt kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống
bệnh nghề nghiệp của các đơn vị trực thuộc trong phạm vi quản lý với quy mô rộng,
lưu ý đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ gây mất an toàn trong lao động.
5.3. Cấp cơ sở: Các doanh nghiệp, đơn vị, cơ
sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành
động; thực hiện việc tự kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống
bệnh nghề nghiệp; chú trọng hoạt động cải thiện điều kiện làm việc, chủ động
đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, thường xuyên
duy trì hoạt động tự kiểm tra trong năm tại đơn vị.
6. Hoạt động tư vấn, tập huấn,
hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp
công nghệ cao; các Tổng Công ty, doanh nghiệp phối hợp với đơn vị có chức năng
tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, kỹ thuật sơ cấp cứu cơ
bản; các lớp tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng làm việc an
toàn cho người sử dụng lao động, người lao động; hướng dẫn xây dựng nội quy,
quy trình làm việc an toàn, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải
thiện điều kiện lao động tại khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ
lao động.
7. Thăm và tặng quà cho nạn
nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Sở, ngành; thành phố
Thủ Đức và các quận, huyện; doanh nghiệp tùy theo tình hình điều kiện cụ thể tổ
chức thăm, động viên và tặng quà cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.
V. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
Tùy tình hình kinh tế - xã hội và diễn biến dịch
COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức thực hiện các hoạt động,
chương trình hành động cụ thể theo chủ đề của Tháng hành động nhưng phải đảm bảo
an toàn sức khỏe cho người tham gia theo các biện pháp phòng, chống dịch
COVID-19.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện hướng dẫn thành phố Thủ Đức, các quận, huyện,
đơn vị và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; tập huấn,
huấn luyện nghiệp vụ, các kỹ năng đánh giá yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các
nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động, bệnh
nghề nghiệp cho người lao động tại khu vực có quan hệ lao động và không có quan
hệ lao động.
1.2. Phát hành các tài liệu tuyên truyền, cổ
động về an toàn, vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, theo nội dung tại tiết 1.3
khoản 1 Mục IV Kế hoạch này.
1.3. Tổng hợp báo cáo nhanh các hoạt động hưởng
ứng Tháng hành động, báo cáo tổng kết Tháng hành động gửi Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
1.4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn
vị tổ chức đợt tổng kiểm tra cấp Thành phố Hồ Chí Minh về an toàn, vệ sinh lao
động, theo nội dung tại tiết 5.1 khoản 5 Mục IV Kế hoạch này.
1.5. Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện Tháng
hành động theo đúng quy định; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố
Hồ Chí Minh tham gia tài trợ kinh phí cho hoạt động thông tin, tuyên truyền về
an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ.
1.6. Chủ trì thông tin đến các cơ quan báo,
đài tuyên truyền các nội dung về công tác an toàn vệ sinh lao động, nguy cơ xảy
ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Sở Văn hóa và Thể thao:
2.1. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội tổ chức thực hiện cổ động tuyên truyền Tháng hành động bằng hình thức
tranh áp-phích, pa-nô, băng-rôn, cờ phướn trên một số trục đường chính của
Thành phố Hồ Chí Minh, các Khu chế xuất và công nghiệp, các khu vực tập trung
đông người, theo nội dung tại tiết 1.3 khoản 1 Mục IV Kế hoạch này.
2.2. Chỉ đạo các Trung tâm văn hóa, Trung
tâm Văn hóa - Thể thao thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tuyên truyền về an
toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời gian diễn ra Tháng hành động.
3. Sở Y tế:
3.1. Chỉ đạo hệ thống ngành Y tế tăng cường
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh
nghề nghiệp, kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản cho doanh nghiệp trên địa bàn, tập
trung vào khu vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo nội
dung tại khoản 6 Mục IV Kế hoạch này.
3.2. Hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp tổ
chức tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh lao động,
phòng ngừa bệnh nghề nghiệp theo nội dung tại khoản 6 Mục IV Kế hoạch này.
3.3. Phối hợp với các ngành thực hiện tổng
kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp,
theo nội dung tại tiết 5.3 khoản 5 Mục IV Kế hoạch này.
3.4. Cung cấp thông tin cho các cơ quan báo,
đài tuyên truyền về vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động và phòng
chống bệnh nghề nghiệp.
4. Sở Xây dựng:
4.1. Chỉ đạo tổ chức hưởng ứng Tháng hành động
tại các công trường xây dựng theo nội dung tại khoản 2 Mục IV Kế hoạch này; chỉ
đạo các doanh nghiệp có công trình xây dựng tổ chức các hoạt động hưởng ứng
Tháng hành động, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng,
chú trọng vào các công trình có sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về
an toàn lao động trước, trong và sau Tháng hành động.
4.2. Chủ trì, phối hợp với các ngành thực hiện
đợt tổng kiểm tra về an toàn lao động trong lĩnh vực quản lý như xây dựng, hàn
cắt kim loại, điện, ngã cao, vật rơi.
5. Sở Công thương:
5.1. Tổ chức tuyên truyền và kiểm tra an
toàn sử dụng hóa chất, sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng trong các doanh nghiệp sản
xuất kinh doanh, hệ thống phân phối khí dầu mỏ hóa lỏng và các quy định khác có
liên quan.
5.2. Chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý
lưới điện tổ chức các đoàn kiểm tra về an toàn điện đối với hệ thống lưới điện
Thành phố Hồ Chí Minh, các trụ đèn chiếu sáng công cộng; phối hợp với các ngành
liên quan kiểm tra các đại lý kinh doanh, sử dụng gas, hóa chất trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
5.3. Chủ trì tổ chức hội nghị, hội thảo
chuyên đề phòng, chống cháy nổ hóa chất, nguyên tắc an toàn cho quản lý, sử dụng
khí dầu mỏ hóa lỏng, theo nội dung tại khoản 4 Mục IV Kế hoạch này.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên
quan tổ chức các đoàn kiểm tra về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh
doanh những ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phối hợp kiểm
tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp, theo nội dung tại khoản 5 Mục IV Kế hoạch này.
7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì hướng dẫn thực hiện việc tự kiểm tra về
công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Hội nông dân Thành phố Hồ Chí
Minh tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn biện pháp phòng chống nhiễm độc thuốc
bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt,
tuyên truyền không sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến,
bảo quản; các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động khi sử dụng máy móc, thiết
bị nông nghiệp cho nông dân, các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, làng nghề
và hộ kinh doanh cá thể, theo nội dung tại khoản 6 Mục IV Kế hoạch này trước,
trong và sau Tháng hành động.
8. Sở Giao thông Vận tải:
8.1. Thông tin, tuyên truyền cho các đơn vị,
doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vận tải về các quy định
pháp luật và kiến thức an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.
8.2. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành có liên quan tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra, cập nhật kiến thức an
toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo an toàn lao động khi điều khiển phương tiện
giao thông đường bộ, đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật và phân cấp
của Bộ Giao thông Vận tải, theo nội dung tại khoản 5 Mục IV Kế hoạch này.
9. Sở Thông tin và Truyền thông:
9.1. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên
quan tuyên truyền các nội dung qua hệ thống thông tin cơ sở bằng nhiều hình thức
phù hợp, hiệu quả.
9.2. Phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành
phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng, thông tin
chính xác, đầy đủ về các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; đồng thời thường
xuyên thực hiện các tuyên tin, bài, phóng sự, tọa đàm, các chuyên mục tuyên
truyền mạnh về an toàn, vệ sinh lao động, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao
động, bệnh nghề nghiệp, công tác phòng chống cháy nổ và các hoạt động bảo vệ
môi trường; tuyên truyền các gương điển hình tiêu biểu làm tốt công tác an
toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh.
9.3. Đối với các nội dung cần tuyên truyền,
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở ngành chức năng có liên quan là
đơn vị đầu mối cung cấp thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp
trong công tác chỉ đạo báo chí Thành phố Hồ Chí Minh thông tin kịp thời, đúng định
hướng theo chức năng của đơn vị.
10. Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh:
10.1. Chủ trì phối hợp với các đơn vị cơ
quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động theo nội
dung tại khoản 3 Mục IV Kế hoạch này.
10.2. Cung cấp thông tin cho các cơ quan
báo, đài các nội dung tuyên truyền về phong trào thi đua, bảo đảm an toàn, vệ
sinh lao động và các gương điển hình tiêu biểu làm tốt công tác an toàn, vệ
sinh lao động và phòng chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
10.3. Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành tổ
chức đoàn đi thăm người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn lao động trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, theo nội dung tại khoản 7 Mục IV Kế hoạch này.
11. Công an Thành phố Hồ Chí Minh:
11.1. Phối hợp hướng dẫn các đơn vị thực hiện
việc tự kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; chú trọng hoạt động cải
thiện điều kiện làm việc, chủ động đánh giá, nhận xét kết quả trong năm theo nội
dung tại khoản 5 Mục IV Kế hoạch này.
11.2. Phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra
liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động cấp Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ đạo
Công an các địa phương tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn, vệ
sinh lao động thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.
11.3. Kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức,
cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và
xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
11.4. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại
chúng đưa các tin, bài và hình ảnh về hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ, lồng ghép với tuyên truyền về an toàn phòng cháy, chữa cháy, công tác
an toàn lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các biện
pháp làm việc an toàn trong tháng hành động; chú ý các doanh nghiệp vừa và nhỏ,
các đơn vị hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về mất an
toàn lao động, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các cơ sở
có nguy cơ cháy, nổ cao.
12. Ban quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp,
Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao:
12.1. Chỉ đạo và tổ chức các hoạt động hưởng
ứng Tháng hành động, theo nội dung tại khoản 2 Mục IV Kế hoạch này; chỉ đạo, hướng
dẫn các doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng
hành động đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và lan tỏa đến người lao động, đồng thời
đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh.
12.2. Phối hợp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn
các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc tự kiểm tra công tác an
toàn, vệ sinh lao động trước, trong và sau Tháng hành động; chỉ đạo các doanh
nghiệp trong phạm vi quản lý báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội.
13. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức
và các quận, huyện:
13.1. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động
hưởng ứng Tháng hành động của địa phương và thực hiện báo cáo nhanh kế hoạch
triển khai Tháng hành động về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
13.2. Tùy theo tình hình diễn biến của bệnh
dịch COVID-19 trên địa bàn, chọn một phường, xã, thị trấn trọng điểm tổ chức
mít tinh hưởng ứng Tháng hành động; triển khai các hoạt động thiết thực để
thông tin, tuyên truyền công tác an toàn vệ sinh lao động, theo nội dung tại
khoản 2 Mục IV Kế hoạch này.
13.3. Tổ chức các đợt kiểm tra trước, trong
và sau Tháng hành động về công tác an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống
cháy nổ, chú ý các điểm bơm, vá, rửa xe có sử dụng thiết bị áp lực, đảm bảo
phòng ngừa nguy cơ mất an toàn, sự cố cháy nổ.
13.4. Tùy theo điều kiện cụ thể, tổ chức
thăm, động viên và tặng quà cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp theo nội dung tại khoản 7 Mục IV Kế hoạch này.
13.5. Tổ chức hội nghị, đối thoại, tập huấn
nâng cao kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, công tác tự kiểm tra trước,
trong và sau Tháng hành động; ưu tiên cho đối tượng người lao động làm nghề,
công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động khu vực phi kết cấu; chỉ đạo
các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý báo cáo kết quả và thực hiện tổng hợp,
báo cáo nhanh, tổng hợp kết quả tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động
về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
14. Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI):
14.1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Tháng
hành động đến cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các Hiệp hội doanh
nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
14.2. Tổ chức các cuộc đối thoại với doanh
nghiệp, người sử dụng lao động để trao đổi thông tin và đóng góp ý kiến các vấn
đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo nội
dung tại khoản 4 Mục IV Kế hoạch này.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Đối với các sở, ban, ngành Thành phố Hồ Chí
Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện:
1.1. Căn cứ quy định hiện hành và trong phạm
vi dự toán được giao, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố
Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt dự toán kinh
phí để triển khai thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này.
1.2. Sử dụng các nguồn hợp pháp khác theo
quy định của pháp luật.
2. Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh
doanh: Xây dựng kế hoạch, kinh phí triển khai Tháng hành động trong kế hoạch
an toàn, vệ sinh lao động hàng năm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở,
ban, ngành Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan; Ủy ban
nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện; các đơn vị, doanh nghiệp; các cơ
sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ nội dung được
phân công tại Kế hoạch này, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực
hiện; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước
ngày 30 tháng 6 năm 2021 để tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, các PCT;
- UBMTTQVN TP và các Đoàn thể TP;
- Các sở, ngành TP;
- Ủy ban nhân dân TP Thủ Đức và các quận, huyện;
- Ban Quản lý KCX-KCN;
- Khu CN cao; Khu Nông nghiệp CNC;
- Hội nông dân TP; Liên minh HTX TP;
- Phòng TM và CN Việt Nam tại TP.HCM (VCCI);
- Tổng Công ty, Công ty cấp trên doanh nghiệp;
- Đài truyền hình, Đài phát thanh TP;
- VPUB: CVP, PCVP/VX;
- Phòng VX, TH, KT, ĐT;
- Lưu: VX, (VX/Th2) TV.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Hoan
|
PHỤ LỤC
KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ
SINH LAO ĐỘNG LẦN THỨ 5 NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 814/KH-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2021)
1. Khẩu hiệu chính của Tháng hành động: “Tăng cường
đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham
gia của an toàn, vệ sinh viên”.
2. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về an toàn,
vệ sinh lao động và tháng công nhân năm 2021 (từ 01/5/2021 đến ngày
31/5/2021).
3. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về an toàn,
vệ sinh lao động năm 2021 (từ 01/5/2021 đến ngày 31/5/2021).
4. Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi
ro về an toàn, vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên.
5. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao
động, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng suất lao động.
6. Chủ động rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro mất
an toàn, vệ sinh lao động và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại
nơi làm việc.
7. Tổ chức và tham gia huấn luyện về an toàn, vệ
sinh lao động đầy đủ để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
8. Thực hiện nghiêm các nội quy, quy trình, các giải
pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm
việc.
9. Tích cực tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh
nghề nghiệp vì sức khỏe và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
10. Doanh nghiệp, người lao động chủ động thực hiện
các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động.
11. Môi trường làm việc an toàn - tốt cho bạn, cho
doanh nghiệp.
12. Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động.
13. Bảo vệ sức khỏe người lao động - bảo vệ nguồn lực
của đất nước./.