Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2018 thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 27/09/2018
Ngày có hiệu lực 27/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Xuyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Thái Bình, ngày 27 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2017/NĐ-CP NGÀY 18/7/2017 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

Thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đến các sở, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (sau đây gọi là các cơ quan, đơn vị), cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác cứu nạn, cứu hộ của các cơ quan, đơn vị và lực lượng phòng cháy và chữa cháy; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra sự cố, tai nạn; chủ động, kịp thời thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe của người bị nạn và phương tiện, tài sản có nguy cơ mất an toàn.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện phải đồng bộ, thiết thực và hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Xác định rõ nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trong việc quán triệt, triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với công tác cứu nạn, cứu hộ.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng việc thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đảm bảo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh.

2. Củng cố, kiện toàn, xây dựng lực lượng phòng cháy và chữa cháy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

3. Tổ chức điều tra, rà soát nắm tình hình về điều kiện, nguồn lực của tỉnh trong huy động tham gia giải quyết sự cố, tai nạn; đầu tư phát triển, nâng cao năng lực về công tác cứu nạn, cứu hộ theo định hướng phát triển của tỉnh.

4. Đảm bảo về lực lượng, phương tiện, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ theo quy định, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

5. Chủ động trong điều hành, xây dựng các phương án huy động lực lượng, phương tiện, xử lý các tình huống sự cố, tai nạn xảy ra; xây dựng và thường xuyên tổ chức thực tập, diễn tập phương án cứu nạn, cứu hộ tại cơ quan, đơn vị.

6. Tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chú trọng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp trụ sở, trang bị các loại phương tiện, thiết bị, dụng cụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cứu nạn, cứu hộ tới đông đảo tầng lớp nhân dân.

- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh; triển khai thành lập Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực các huyện theo hướng dẫn của Bộ Công an; lập các dự án về giao thông, nguồn nước phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đảm bảo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khi làm nhiệm vụ.

- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn, chỉ huy công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và các biện pháp, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ kịp thời tiếp nhận và xử lý các sự cố, tai nạn; chỉ đạo thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ theo các quy định của pháp luật.

- Xây dựng, thực tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có sự huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia để xử lý các tình huống khẩn cấp về sự cố, tai nạn, cháy, nổ lớn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc xây dựng, triển khai phương án, kế hoạch về công tác cứu nạn, cứu hộ và thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ theo nhiệm vụ được phân công của Ban Chỉ đạo Tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ tỉnh.

- Bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng tham gia cứu nạn, cứu hộ, xử lý các tình huống sự cố, tai nạn cần huy động nhiều lực lượng tham gia.

[...]