Kế hoạch 729/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 do Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 729/KH-UBND
Ngày ban hành 01/03/2021
Ngày có hiệu lực 01/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận Gò Vấp
Người ký Nguyễn Thị Thanh Vân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN GÒ VẤP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 729/KH-UBND

Gò Vấp, ngày 01 tháng 03 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2021

Thực hiện Chương trình số 09-CTr/QU ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Quận ủy về Chương trình công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2021; Ủy ban nhân dân quận xây dựng kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 với các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng quy định nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; của cán bộ, công chức, viên chức và phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội, Nhân dân đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường công khai, minh bạch, quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng.

2. Yêu cầu

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chủ động, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng và tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác quán triệt, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Tăng cường tuyên truyền, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng các văn bản chỉ đạo; việc tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phù hợp với các đối tượng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí, khuyến khích, vận động Nhân dân, doanh nghiệp phát hiện, phản ánh, tố giác các hành vi tham nhũng, lãng phí qua đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác và quyết tâm trong hành động.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Kế hoạch số 580/KH-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân quận triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019 - 2021”.

2. Tăng cường các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

a) Công khai, minh bạch trong các hoạt động

Duy trì công khai, minh bạch thông tin về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, phường, các phòng, ban, đơn vị thuộc quận, trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội dung khác theo quy định của pháp luật. Chú trọng các lĩnh vực: quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; mục đích huy động, mức đóng góp, việc sử dụng, kết quả sử dụng và báo cáo quyết toán các khoản đóng góp của Nhân dân; công tác tổ chức - cán bộ; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; các quy trình, biểu mẫu các thủ tục hành chính. Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, kịp thời, đầy đủ cả về nội dung lẫn hình thức, theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng hoặc pháp luật chuyên ngành.

Thực hiện nghiêm các quy định về dân chủ cơ sở tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chủ động thông tin, công khai cho báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra, những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong xử lý các vụ việc tham nhũng, giúp định hướng tốt dư luận xã hội. Cung cấp thông tin theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận yêu cầu giải trình và trách nhiệm giải trình theo quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống tham nhũng và Chương II Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

b) Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ

Thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo quy định tại Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2020 về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Các cơ quan, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng, ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ; công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ không trái pháp luật.

c) Thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp

Thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử quy định tại Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể; tặng quà và nhận quà tặng đúng quy định.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; duy trì tổ chức lấy ý kiến, khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

d) Chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn

Xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân quận về tăng cường chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

[...]