Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2023 về nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 72/KH-UBND
Ngày ban hành 07/03/2023
Ngày có hiệu lực 07/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Dương Đức Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG CÔNG CỘNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”; Thông báo số 1544-TB/BCSĐ ngày 05/12/2022 của Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố về việc ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021-2025 như sau:

I. PHẠM VI VÀ MỤC TIÊU

1. Phạm vi của Kế hoạch

Phạm vi của Kế hoạch gồm các hạng mục chiếu sáng công cộng đô thị (công tác lập quy hoạch, nâng cấp, mở rộng trung tâm điều khiển chiếu sáng, chiếu sáng đường giao thông, chiếu sáng cảnh quan, chiếu sáng kiến trúc các công trình tiêu biểu) theo ranh giới hành chính của 12 quận nội thành, 17 huyện (trung tâm các thị trấn, thị tứ và các đường tỉnh lộ, quốc lộ), và thị xã (các dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các tuyến đường giao thông đồng bộ, đề án đầu tư xây dựng 5 huyện lên quận, công tác trang trí bằng ánh sáng (trang trí chiếu sáng) cho các kỳ cuộc, lễ hội không nằm trong kế hoạch này).

2. Mục tiêu kế hoạch

- Đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị để thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, trong đó tại Mục 1.b yêu cầu “Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; Đẩy nhanh lộ trình thực hiện tự động hóa chiếu sáng theo khung thời gian và điều kiện thời tiết của các công trình chiếu sáng công cộng”;

- Đảm bảo chiếu sáng theo quy chuẩn, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm điện;

- Đạt tỷ lệ 100% đường đô thị, tối thiểu 80% ngõ, xóm được chiếu sáng;

- Hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được đầu tư xây dựng đạt quy chuẩn và an toàn trong vận hành bảo dưỡng.

- Nâng cao chất lượng chiếu sáng công cộng đô thị và sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; nghiên cứu và từng bước sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió) trong chiếu sáng công cộng đô thị;

- Các công trình giao thông được chiếu sáng đầy đủ với các chức năng định vị và dẫn hướng; thiết kế chiếu sáng có tính thẩm mỹ cao; thuận tiện, an toàn trong quá trình sử dụng;

- Chiếu sáng không gian công cộng đô thị, chiếu sáng trang trí (chiếu sáng cảnh quan và chiếu sáng kiến trúc) phải bảo đảm các yêu cầu về ánh sáng, an toàn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ an ninh trật tự;

- Mở rộng phạm vi hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị được quản lý vận hành và điều khiển bằng trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng;

- Thực hiện việc hạ ngầm đường dây cấp điện chiếu sáng, bao gồm công tác cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng hiện có (thay cột, thay chóa đèn,...) tại các tuyến phố, ngầm hóa các đường dây, cáp đi nổi của các đơn vị viễn thông.

- Nghiên cứu, hiện thực hóa các giải pháp để hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trở thành một bộ phận quan trọng của đô thị thông minh.

II. KHÁI QUÁT VỀ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG CHIẾU SÁNG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ:

1. Về phân cấp quản lý:

Công tác quản lý, đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố về việc ban hành Quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội (Điều 5 - Quản lý chiếu sáng công cộng).

2. Quy mô, hiện trạng của hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố:

2.1. Quy mô hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố:

Theo thống kê hiện trạng hệ thống chiếu sáng công cộng Thành phố của 12 quận nội thành và các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ của 17 huyện và thị xã tính đến hết tháng 12/2021, bao gồm:

* 2.794 tủ điều khiển chiếu sáng (1.970 thuộc khu vực các quận nội thành và 824 tủ khu vực ngoại thành), trong đó: 1.898 tủ điều khiển chiếu sáng được kết nối với Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng Thành phố (1.336 tủ tại khu vực nội thành và 562 tủ tại khu vực ngoại thành), đạt tỷ lệ 67,9%; 896 tủ điều khiển bằng đồng hồ hẹn giờ đặt tại tủ (634 tủ khu vực nội thành chủ yếu cho các tuyến đèn ngõ, xóm và 262 tủ khu vực ngoại thành).

* Tổng chiều dài lưới điện chiếu sáng: 5.584 km (khu vực nội thành là 4.008 km và khu vực ngoại thành là 1.576 km);

* Công suất điện năng: 29.995 kW (khu vực nội thành là 20.353 kW; khu vực ngoại thành là 9.642 kW);

* Tổng số bộ đèn: 229.272 bộ (đèn LED là 27.280 bộ đạt tỷ lệ 11,9%), trong đó: khu vực 12 quận có 169.790 bộ đèn (đèn LED là 18.109 bộ đạt tỷ lệ 10,66%); khu vực 17 huyện và thị xã có 59.482 bộ (đèn LED là 9.171 bộ đạt tỷ lệ 15,4%).

[...]