Kế hoạch 65/KH-UBND năm 2013 thực hiện công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Số hiệu | 65/KH-UBND |
Ngày ban hành | 14/09/2013 |
Ngày có hiệu lực | 14/09/2013 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tuyên Quang |
Người ký | Chẩu Văn Lâm |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Giao thông - Vận tải |
UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/KH-UBND |
Tuyên Quang, ngày 14 tháng 9 năm 2013 |
THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ KINH DOANH VẬN TẢI BẰNG XE Ô TÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; Chỉ thị số 16/CT-BGTVT ngày 28/8/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm và tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mục đích:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện nghiêm việc quản lý điều hành phương tiện, người điều khiển theo đúng quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông về kinh doanh vận tải, tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý, điều hành vận tải góp phần xây dựng hình ảnh văn hóa giao thông, ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông.
2. Yêu cầu:
- Công tác quản lý kinh doanh vận tải, phải được tăng cường và triển khai đồng bộ, có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng và sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải và đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ.
- Tạo sự chuyển biến tích cực và thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải đường bộ tại các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố. Công tác quản lý vận tải hiệu quả, ổn định; cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.
- Tạo môi trường lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải. Bộ máy quản lý, các bộ phận điều hành, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông tại các đơn vị vận tải làm việc hiệu quả, nắm chắc hoạt động của các phương tiện vận tải nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
- Lái xe, nhân viên phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ, các quy định pháp luật về vận tải, an toàn giao thông.
1. Tổ chức tuyên truyền và học tập, quán triệt:
Tuyên truyền sâu rộng các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô dưới nhiều hình thức đến các đối tượng để thực hiện. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, tránh việc tuyên truyền hình thức, không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thông tin. Yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trong việc chấp hành pháp luật về vận tải, an toàn giao thông, đặc biệt là việc chấp hành quy định về tốc độ, hành trình, thời gian lái xe.
2. Kiểm soát điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô:
Thẩm định kỹ các điều kiện trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải, đặc biệt là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, trong đó đặc biệt lưu ý các đơn vị kinh doanh vận tải là các hợp tác xã. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kiên quyết thu hồi Giấy phép kinh doanh của các tổ chức, cá nhân không duy trì được các điều kiện hoạt động.
3. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tại các đơn vị vận tải :
Tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện với đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, đặc biệt là buông lỏng quản lý hoạt động của phương tiện và người lái xe, đơn vị không bảo đảm điều kiện kinh doanh, hoạt động kinh doanh vận tải không có giấy phép, không có bộ phận quản lý, theo dõi an toàn giao thông hoặc có nhưng không hoạt động, không ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm, không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, khoán trắng cho lái xe... Kết quả thanh tra, xử lý phải được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
1. Sở Giao thông Vận tải :
- Thường xuyên tuyên truyền giáo dục cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đóng trên địa bàn tỉnh về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ, năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo điều hành, cán bộ quản lý làm việc tại đơn vị vận tải.
- Trong quá trình thẩm định hồ sơ trước khi cấp giấy phép kinh doanh vận tải phải kiểm soát chặt chẽ điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe hợp đồng và xe du lịch, vận tải hàng hóa bằng công - ten - nơ, trong đó đặc biệt lưu ý các đơn vị kinh doanh vận tải là hợp tác xã.