Kế hoạch 62/KH-UBND về phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2022 do tỉnh Đắk Lắk ban hành

Số hiệu 62/KH-UBND
Ngày ban hành 15/03/2022
Ngày có hiệu lực 15/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H'Yim Kđoh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 62/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 15 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2022

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2021

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2021

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới:

Hơn 10 năm qua, thế giới ghi nhận hàng loạt vụ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi với số mắc và tử vong tăng cao, tập trung nhiều ở các nước châu Á và châu Phi. Đáng lo ngại là đến 75% bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại trên thế giới đã ghi nhận hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người và nguy cơ này sẽ tiếp tục tăng lên, đây là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Những năm gần đây, khu vực Tây Thái Bình Dương được coi là nơi dễ xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm như MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, cúm A/H5N6. Ngoài ra, sốt xuất huyết do vi-rút Ebola không còn là bệnh của khu vực châu Phi mà đã trở thành mối đe dọa toàn cầu. Trong đó phải kể đến đại dịch COVID-19, được ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 29/12/2019, đến nay, sau gần 2 năm đại dịch COVID-19 đã lây lan đến 223 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 240 triệu ca mắc và 4,9 triệu ca tử vong. Dịch bệnh ngày càng nguy hiểm khi liên tục ghi nhận các biến thể mới như biến thể Alpha, Delta và biến thể Omicron. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến thể Delta và Omicron là mối đe dọa kép làm gia tăng số ca mắc, từ đó dẫn đến số ca nhập viện và tử vong tăng lên đột biến, tiếp tục gây áp lực lớn lên các nhân viên và hệ thống y tế.

2. Tại Việt Nam:

Việt Nam được coi là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm mới nổi bởi tập quán sống gần gia cầm, vật nuôi; chưa kể thói quen sinh hoạt, ăn uống (như: Ăn tiết canh động vật, ăn thịt gia cầm ốm, chết...) cũng là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan bệnh từ động vật sang người.

Tuy nhiên, các bệnh dịch lưu hành đang được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 05 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao.

Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có số mắc gia tăng cục bộ tại một số địa phương vào các tháng cao điểm, bệnh sởi ghi nhận rải rác, tại một số tỉnh, thành phố, nhưng không thành ổ dịch tập trung đã được can thiệp giải quyết kịp thời, tránh được nguy cơ lan rộng và bùng phát thành dịch lớn.

Đối với dịch COVID-19: Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã trải qua 04 đợt bùng phát. Quy mô, địa bàn và mức độ lây lan mỗi đợt có xu hướng phức tạp hơn. Trong năm 2021, cả nước ghi nhận 1.729.792 ca mắc, trong đó 1.726.428 ca ghi nhận trong nước, 1.354.286 người khỏi bệnh và 32.133 ca tử vong. Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay với đa nguồn lây, đa chủng, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi (bao gồm cả trẻ em ) tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh. Công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn 2 (đợt dịch thứ 4 đến nay) theo hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

3. Tại tỉnh Đắk Lắk:

Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều thành quả trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm như: Không có trường hợp mắc bệnh dịch hạch, góp phần cùng cả nước thanh toán bệnh bại liệt, một số bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm tại tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp như: Sốt rét, sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, bạch hầu, sởi, bệnh dại...

Kết quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2021, cụ thể như sau:

TT

Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020

Kế hoạch năm 2021

Kết quả thực hiện

Đánh giá

1.

Bệnh nhóm A, bệnh truyền nhiễm mới nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân (Cúm A(H5N1), A(H7N9), (H5N6)…)

100% ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan cộng đồng

Không ghi nhận trường hợp mắc

Đạt

2.

Bệnh COVID-19

100% ca bệnh/ổ dịch được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lây lan cộng đồng

Ghi nhận 55.123 trường hợp mắc và có 133 trường hợp tử vong, nhiều ổ dịch ghi nhận ở cộng đồng

Không đạt

3.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue:

- Tỷ lệ mắc:

- Tỷ lệ tử vong:

- Không để dịch lớn xảy ra

- <218,6/100.000 dân

- <0,01%

- Không xảy ra dịch lớn trong cộng đồng

- Mắc: 10/100.000

- Tử vong: 0.05%

- Đạt

- Đạt

- Không đạt

4.

Bệnh sốt rét:

- Tỷ lệ mắc:

- Tỷ lệ tử vong:

- Không để dịch lớn xảy ra

- <0,40/1.000 dân

- <0/100.000 dân

- Không xảy ra dịch lớn trong cộng đồng

- 0,01/1000 dân

- 0,00/100.000 dân

Đạt

5.

Bệnh Dại:

Khống chế dưới 05 trường hợp mắc và tử vong

Ghi nhận: 04 trường hợp mắc và tử vong

Đạt

6.

Bệnh tay chân miệng

- Tỷ lệ mắc:

- Tỷ lệ chết/mắc:

- Không để dịch lớn xảy ra

- <100/100.000 dân

- <0,02%

- Không xảy ra dịch lớn tại cộng đồng

- Mắc: 3,2/100.000

- Tử vong: 0.05%

-Đạt

- Đạt

- Không đạt

7.

Một số bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng

Bại liệt, UVSS

Duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ UVSS, không có huyện nguy cơ cao về UVSS

100%

Đạt

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em <1 tuổi

>95% quy mô xã/phường/ thị trấn

87,5%

Không đạt

Tỷ lệ tiêm vắc-xin đủ mũi cho phụ nữ có thai

>85% quy mô xã/phường/thị trấn

82,8%

Không đạt

Tỷ lệ mắc bệnh Sởi:

< 5/100.000 dân

0

Đạt

Tỷ lệ mắc bệnh ho gà:

< 1/100.000 dân

0

Đạt

Tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu:

<0.02/100.000 dân (không có ca bệnh)

0

Đạt

4. Khó khăn và tồn tại

- Tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực vẫn diễn biến phức tạp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát luôn thường trực đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân cùng với đó là sự biến chủng tác nhân gây bệnh có thể kể đến các bệnh dịch nguy hiểm như COVID-19, dịch bệnh cúm A(H7N9), MERS-CoV, sốt vàng da...

- Một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập như cúm A(H7N9), sốt vàng da, MERS-CoV,... đã được ngăn chặn trên cả nước, tuy nhiên vẫn chưa khống chế được triệt để và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Các bệnh dịch chủ yếu do vi- rút (tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue...) không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc-xin dự phòng; các biện pháp phòng, chống dịch chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu; tuy đã được kiểm soát và có số mắc giảm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát. Các bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ tại Việt Nam như dịch hạch, bại liệt luôn có nguy cơ tái xâm nhập.

- Một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung. Tuy đại dịch COVID-19 đã phần nào thay đổi cách nhìn của cả thế giới đối với công tác phòng, chống dịch, tuy nhiên đối với các dịch bệnh khác vẫn được xem là nhiệm vụ của ngành y tế, các ban, ngành, đoàn thể chưa tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; bệnh dại còn ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do người dân không chủ động, tự giác đi tiêm phòng vắc-xin dại;

người dân vẫn duy trì các thói quen, tập quán ăn uống không đảm bảo vệ sinh (ăn tiết canh sống gây bệnh liên cầu lợn)…

- Sự biến đổi khí hậu, biến động về dân cư, đô thị hóa, đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư chưa được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh, cũng như các dịch bệnh đã được khống chế hiện nay xuất hiện trở lại.

- Trong công tác tiêm chủng có nhiều vấn đề tồn tại như: Việc quản lý đối tượng tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng khó khăn do không tách hoặc cập nhật được các đối tượng trong tiêm chủng mở rộng sử dụng vắc-xin tiêm chủng dịch vụ, không quản lý được hết các đối tượng vãng lai, di biến động. Tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa quản lý được hết các đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở quy mô cấp xã (vùng lõm tiêm chủng), hoạt động cung ứng vắc-xin từ các nhà sản xuất chưa đáp ứng kịp thời, chưa đảm bảo triển khai thực hiện theo kế hoạch.

- Kinh phí bố trí cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhiều địa phương không bố trí hoặc bố trí chậm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2022

Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, khả năng các bệnh truyền nhiễm mới phát sinh, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là rất lớn trong quá trình giao lưu, tiếp xúc. Cùng với đó là nguy cơ gia tăng ở một số bệnh lưu hành thường xuyên như sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại …

1. Dịch bệnh COVID-19: Tính đến ngày 13/3/2022, toàn tỉnh ghi nhận hơn 75.404 trường hợp mắc và 147 trường hợp tử vong. Số mắc được ghi nhận tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố, ghi nhận ở mọi lứa tuổi, mọi thành phần dân tộc... Mặc dù, đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch và tăng cường triển khai tiêm chủng toàn dân, tuy nhiên trong bối cảnh mở cửa trở lại và tiến tới xem COVID-19 như một bệnh đặc hữu, số mắc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, cùng với đó là sự gia tăng tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong dự báo sẽ gây sức ép rất lớn lên hệ thống cơ sở điều trị của tỉnh.

[...]