Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 6086/KH-UBND năm 2021 về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 6086/KH-UBND
Ngày ban hành 31/12/2021
Ngày có hiệu lực 31/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6086/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 31 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2021- 2025

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1318/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; số 1804/QĐ-TTg ngày 13 tháng 11 năm 2020 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; số 167/QĐ- TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2518/SKH&ĐT- KTN ngày 31 tháng 12 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2025; nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục phát huy và khẳng định vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã;

- Củng cố, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã với nhiều hình thức đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; ưu tiên xây dựng, phát triển các mô hình theo chuỗi giá trị, tăng cường liên kết hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Chú trọng hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả trở thành kiểu mẫu để nhân rộng; khuyến khích người dân tham gia góp đất tạo quỹ đất đủ lớn, hình thành vùng sản xuất hàng hóa để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (HTX, LHHTX): Phấn đấu đến năm 2025 có trên 720 HTX, trong đó số HTX thành lập mới 250 HTX, tốc độ tăng bình quân HTX khoảng 4,5%/năm, số lượng thành viên tăng bình quân 5%/năm, doanh thu bình quân một HTX đạt khoảng 4,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân một HTX tăng 10%/năm. Có từ 01 - 02 mô hình LHHTX trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại dịch vụ được thành lập và tổ chức hoạt động;

- Về tổ hợp tác (THT): Phấn đấu đến năm 2025 có trên 1,55 nghìn THT, tốc độ tăng bình quân khoảng 4,5%/năm, số lượng thành viên THT tăng bình quân khoảng 10%/năm, doanh thu bình quân một THT tăng bình quân 9%/năm, lợi nhuận bình quân một THT tăng bình quân 12%/năm;

- Về hiệu quả hoạt động: Tỷ lệ HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm trên 60% tổng số HTX;

- Về đào tạo, bồi dưỡng: Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ cao đẳng, đại học đạt ít nhất 24% tổng số cán bộ quản lý;

- Xử lý dứt điểm tình trạng các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

(Chi tiết theo Phụ lục số 01, 02 kèm theo)

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Về phát triển HTX, THT trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản

- Đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 510 HTX tăng 150 HTX so với năm 2020 (chiếm 71% tổng số HTX) và 1,12 nghìn THT, tăng 200 THT so với năm 2020 (chiếm 72% tổng số THT); trong đó: Có khoảng 35% HTX nông nghiệp liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; có trên 10% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản;

- Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao vai trò của HTX, THT nông nghiệp trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát triển các mô hình HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp gắn liền với các sản phẩm ngành nghề nông thôn và sản phẩm chủ lực, đặc trưng có lợi thế của tỉnh và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP);

- Tập trung hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thực hiện tốt vai trò tổ chức cho nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, kết nối với doanh nghiệp, các hộ dân để thực hiện việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, đảm bảo phát triển vững chắc, hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp - nông dân - xã hội;

- Nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động của HTX; đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cho các thành viên HTX để tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể, HTX;

- Khuyến khích tổ chức sáp nhập các HTX nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp quy mô nhỏ và doanh thu thấp, kém hiệu quả thành các HTX nông nghiệp dịch vụ tổng hợp quy mô lớn nhằm nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động cho các hợp tác xã;

- Tăng cường hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất cho các HTX nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; khuyến khích HTX nông nghiệp tập trung đất đai, cơ sở hạ tầng, xây dựng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn; hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

2. Về phát triển HTX, THT trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ

- Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Phấn đấu đến năm 2025 có trên 90 HTX (chiếm 13% tổng số HTX, tăng 30 HTX so với năm 2020), có 430 THT (chiếm 28% tổng số THT, tăng 80 THT so với năm 2020) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục củng cố và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các HTX hiện có gắn với các chương trình khuyến công, phát triển ngành nghề, xóa đói, giảm nghèo ở từng địa phương; phát triển các HTX ở các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, các HTX gắn với phát triển ngành nghề truyền thống, hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất cơ khí phục vụ nông nghiệp, bảo quản chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu;

- Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ: Đến năm 2025 có trên 15 HTX thương mại, tăng 10 HTX so với năm 2020; thành lập và tổ chức hoạt động 01 LHHTX; mở rộng quy mô và phát triển các HTX dịch vụ vận tải, du lịch, dịch vụ tiện ích; phát triển HTX theo hướng kinh doanh tổng hợp, tham gia vào hệ thống phân phối hoặc chuỗi kinh doanh; kết nối với các liên hiệp HTX thương mại, doanh nghiệp lớn, hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối nhằm liên kết để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, xây dựng thị trường bền vững.

3. Về phát triển HTX, THT trong lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải

- Duy trì, củng cố hoạt động 09 HTX xây dựng hiện có, khuyến khích các HTX đầu tư máy móc, thiết bị thi công tham gia đấu thầu thi công hoặc ký kết hợp đồng thi công ở địa phương. Xây dựng và phát triển mô hình HTX áp dụng công nghệ chế tạo sẵn theo hướng đa ngành nghề kết hợp xây dựng, khai thác, sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng, thi công xây lắp, quản lý công trình; khuyến khích liên kết giữa các HTX để chia sẻ công việc trong lĩnh vực xây dựng;

[...]