Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo” trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 58/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2019
Ngày có hiệu lực 10/05/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Thân Đức Hưởng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Cà Mau, ngày 10 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THANH - TRUYỀN HÌNH CẤP HUYỆN ĐẾN NĂM 2020 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Quản lý hoạt động Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đến năm 2020”.

Thực hiện Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Quản lý hoạt động Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đến năm 2020 và những năm tiếp theo” trên địa bàn tỉnh Cà Mau với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đài Truyền thanh các huyện và Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Cà Mau (gọi chung là Đài Truyền thanh cấp huyện) giữ vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện. Vì vậy, việc cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu, liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau là yêu cầu cần thiết, nhất là đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Công tác tổ chức, quản lý và hoạt động của Đài Truyền thanh cấp huyện phải theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, lưu trữ, truyền dẫn chương trình, đáp ứng nhu cầu thông tin, phổ biến khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nuôi trồng cho nông, ngư dân.

3. Kết hợp với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan về thông tin cơ sở để đạt được mục đích, yêu cầu và mục tiêu đến năm 2020.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. 100% Đài Truyền thanh cấp huyện được trang bị các thiết bị phục vụ việc số hóa sản xuất chương trình phát thanh; thường xuyên sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã để duy trì hệ thống truyền thanh không dây, đảm bảo hoạt động ổn định.

2. 100% viên chức làm việc tại Đài Truyền thanh cấp huyện được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm.

3. 100% Đài Truyền thanh cấp xã tiếp được sóng của Đài Truyền thanh cấp huyện, Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

4. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

1.1. Thực trạng nhân lực

Hiện nay nhân lực của các Đài Truyền thanh cấp huyện không giống nhau, số lượng từ 09 đến 18 người.

Nhân lực có trình độ đại học chiếm 83% (trong đó có 34% chuyên ngành báo chí tuyên truyền, 9% điện tử viễn thông, 40% tốt nghiệp chuyên ngành khác). Nhân lực có trình độ trung cấp trở xuống chiếm 17% (lực lượng này chưa được đào tạo chuyên sâu, cần được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ).

1.2. Giải pháp thực hiện

Sắp xếp nhân lực hợp lý, mỗi Đài Truyền thanh cấp huyện có cấp trưởng và cấp phó. Công tác lãnh đạo quản lý, biên tập, thực hiện tin, bài, phát thanh viên, kỹ thuật viên, trị sự - văn phòng có thể kiêm nhiệm nhiều công việc để phù hợp với tổng số nhân sự được giao; riêng Đài Truyền thanh - Truyền hình thành phố Cà Mau có thể nhiều hơn (Số lượng cấp phó và biên chế công chức, viên chức, người lao động của từng Đài Truyền thanh cấp huyện giao cho Sở Nội vụ có hướng dẫn cụ thể).

Đơn vị tạo điều kiện cho viên chức, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ năng biên tập, sản xuất chương trình và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phù hợp với vị trí việc làm.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nội vụ.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau và UBND các huyện, thành phố Cà Mau.

- Thời gian thực hiện: Năm 2019 và những năm tiếp theo.

2. Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng

2.1. Thực trạng

Hiện nay tất cả các Đài Truyền thanh cấp huyện đang duy trì công nghệ truyền thanh không dây, thiết bị phát sóng FM; Mỗi đơn vị có ít nhất 02 máy ghi hình, 02 máy ghi âm, có từ 02 đến 03 máy vi tính, có từ 30 đến 50 cụm loa đang sử dụng. Vùng nông thôn, vùng ven biển máy phát sóng và hệ thống loa hay bị hư hỏng, cần phải sửa chữa, nâng cấp thường xuyên, kịp thời.

[...]