Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2022 triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operations Center) của tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 30/03/2022
Ngày có hiệu lực 30/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 30 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TRUNG TÂM ĐIỀU HÀNH THÔNG MINH (IOC - INTELLIGENT OPERATIONS CENTER) CỦA TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Tỉnh ủy về Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 02/2/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch ứng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 03/03/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Hưng Yên năm 2022;

Căn cứ Chỉ thị số 12/CT-CTUBND ngày 23/9/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện có hiệu quả giải pháp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Hưng Yên.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Hưng Yên với những nội dung sau:

Phần I

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2021

Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn tỉnh từng bước được triển khai hiệu quả hơn, cơ bản đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, cụ thể: Hệ thống một cửa điện tử tích hợp cổng dịch vụ công trực tuyến được tiếp tục triển khai đồng bộ, liên thông, thống nhất trong các cơ quan nhà nước của tỉnh, phục vụ hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; Hệ thống hội nghị trực tuyến được khai thác, sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt các cuộc họp của tỉnh; Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành kết nối gửi nhận liên thông từ tỉnh đến xã; Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng đang được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; các hệ thống phần mềm của các ngành: Giáo dục, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương.... đã được triển khai và đưa vào sử dụng.

1. Hạ tầng kỹ thuật

Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng; Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát Thủ tục hành chính và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã hoạt động liên thông, giải quyết 100% thủ tục hành chính với tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trên 95%.

Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt 100%; cấp xã đạt khoảng 80%, tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng Internet đạt 100%; mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị cả 3 cấp từ tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối. 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đều có cán bộ phụ trách CNTT; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách về CNTT cũng ngày được nâng cao. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tốt việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn như: Phần mềm quản lý ngân sách, quản lý tài sản; cấp mã số đối tượng ngân sách, trao đổi dữ liệu thu chi (Sở Tài chính); phần mềm quản lý khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ); cài đặt, khai thác sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, công chức; quản lý địa giới hành chính (Sở Nội vụ)...

Mạng lưới cáp quang được lắp đặt đến 100% thôn, tổ dân phố, trong đó trên 50% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truy cập Internet băng rộng, tốc độ cao. Toàn tỉnh có 983 trạm thu phát sóng thông tin di động, truy cập Internet đến 100% thôn, tổ dân phố, trong đó trên 51 % thuê bao có sử dụng dịch vụ truy cập Internet 3G và 4G; có trên 1,25 triệu thuê bao điện thoại và gần 170 nghìn thuê bao internet băng rộng cố định, trên 70% người dân Hưng Yên sử dụng điện thoại thông minh.

2. Các hệ thống nền tảng

Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ tỉnh (LGSP) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2019 và đã kết nối đến trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia giữa các Bộ, ngành và địa phương. Xây dựng phần mềm tích hợp cơ sở dữ liệu tài khoản truy cập các hệ thống thông tin dịch vụ công của công dân với trục tích hợp LGSP, phục vụ việc đăng nhập một lần cho các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp của tỉnh. Đã đồng bộ hệ thống danh mục dùng chung từ Trung ương (qua NGSP) về trục LGSP của tỉnh.

3. Phát triển dữ liệu

Dữ liệu trong cơ quan nhà nước của tỉnh Hưng Yên bước đầu đã được xây dựng, một số cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành đã và đang được xây dựng, triển khai (các CSDL của ngành Tài nguyên và Môi trường; ngành Tài chính; ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Nội vụ...) bao gồm:

- CSDL dân cư;

- CSDL cán bộ, công chức, viên chức;

- CSDL xác thực người dùng;

- CSDL văn bản;

- CSDL hồ sơ khám, quản lý sức khỏe người dân;

- CSDL công chứng trên địa bàn tỉnh;

- CSDL hộ tịch của tỉnh;

- CSDL quan trắc lưu lượng nước thải khu công nghiệp;

- CSDL ngân hàng đề thi của tỉnh...

[...]