Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 21/02/2022
Ngày có hiệu lực 21/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Văn Dũng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 21 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi là Đề án), Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai kịp thời các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nêu tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp của từng ngành, từng lĩnh vực để lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Đề án.

2. Tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, nhất là người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại, trải nghiệm nhiều hơn các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó góp phần phát triển mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

3. Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế; phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

4. Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Đề án, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được các mục tiêu cụ thể sau:

1. 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

2. Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn năm sau cao hơn năm trước, trong đó có 30% các xã vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

3. Mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt:

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm.

b) Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm.

c) Tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 35 - 40%/năm.

4. Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công:

a) 90% - 100% trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 90% - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

b) 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

c) 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

d) 50% hộ gia đình ở địa bàn đô thị thanh toán tiền điện, nước, internet qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

đ) 95% doanh nghiệp và 50% hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế qua các hình thức không dùng tiền mặt. Số liệu nộp thuế qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt năm sau cao hơn năm trước. 

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Triển khai đồng bộ, kịp thời cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt:

Các đơn vị tham mưu thường xuyên cập nhật, nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách và các văn bản chỉ đạo về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai kịp thời.

2. Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác:

Các tổ chức tín dụng, các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán cần chủ động tham mưu với đơn vị cấp trên quản lý trong việc nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán; ứng dụng các phương thức thanh toán hiện đại trong hoạt động.

Vận hành, cập nhật phát triển hạ tầng chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán bán lẻ, mở rộng hệ sinh thái, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để phục vụ thanh toán trực tuyến.

[...]