Kế hoạch 551/KH-UBND năm 2023 thực hiện các kiến nghị và giải pháp khắc phục các hạn chế trong công tác đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Số hiệu 551/KH-UBND
Ngày ban hành 06/03/2023
Ngày có hiệu lực 06/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Đầu tư,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 551/KH-UBND

Kon Tum, ngày 06 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC CÁC HẠN CHẾ TRONG CÔNG TÁC ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN VÀ CHẾ BIẾN DƯỢC LIỆU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Thông báo số 80/TB-TTHĐND ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh năm 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị và giải pháp khắc phục các hạn chế trong công tác đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Khắc phục những hạn chế yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19 tháng 5 năm 2022 của Tỉnh ủy về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy) đã được Đoàn Giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh nêu tại Báo cáo 51/BC-ĐGS ngày 29 tháng 12 năm 2022 và quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum sớm thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.

2. Yêu cầu

Các đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng quan điểm, mục tiêu và nội dung Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Kế hoạch, phát huy những thành tích đạt được, khắc phục những tồn tại yếu kém để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Về công tác giao chỉ tiêu phát triển dược liệu hàng năm:

Tổ chức làm việc và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao kế hoạch và chỉ tiêu về diện tích trồng từng cây dược liệu (tổng diện tích, diện tích trồng mới) cho từng doanh nghiệp, địa phương, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng...) và thị trường, đảm bảo phù hợp với khả năng thực hiện của từng địa phương, sớm hình thành các vùng chuyên canh đủ lớn, thu hút được doanh nghiệp, doanh nhân đến đầu tư, chế biến, tiêu thụ và phát triển dược liệu bền vững.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Theo tiến độ chung trong công tác xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm.

2. Về công tác quản lý nhà nước về dược liệu

a) Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo về chức năng quản lý nhà nước về dược liệu theo quy định của Luật Dược, Thông tư số 13/2018/TT-BYT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ Y tế Quy định về chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, Thông tư số 37/2021/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo phù hợp với thực tế và chức năng nhiệm vụ của các đơn vị theo quy định.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2023.

b) Tăng cường công tác phối hợp trong công tác quản nhà nước, thường xuyên theo dõi, rà soát, thống kê, cập nhật các chỉ tiêu theo Nghị quyết số 14-NQ/TU và số liệu về phát triển dược liệu kịp thời, đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên tổng hợp trước ngày 20 hàng tháng và tổng hợp số liệu phát triển dược liệu của năm trước 30 tháng 12 hàng năm.

c) Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về đất đai của Viện Nông hoá Thổ nhưỡng tiến hành khoanh vẽ xác định vùng trồng dược liệu tập trung đủ nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp.

- Đơn vị chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thiện trong Quý II năm 2023.

d) Thành lập Ban chỉ đạo chương trình phát triển dược liệu các cấp để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

- Đơn vị chủ trì:

+ Đối với Ban chỉ đạo cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

+ Đối với Ban chỉ đạo cấp huyện: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

- Thời gian thực hiện: Hoàn thành trong Quý II năm 2023.

[...]