Kế hoạch 54/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 54/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2023
Ngày có hiệu lực 31/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 31 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 74/2022/QH15 NGÀY 15/11/2022 CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Nghị quyết số 74/2022/QH15) và Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của Đoàn giám sát Quốc hội (Báo cáo số 330/BC-ĐGS); UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội;

- Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã được Quốc hội chỉ ra tại Nghị quyết số 74/2022/QH15.

2. Yêu cầu

- Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

- Bám sát phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu tại Nghị quyết số 74/2022/QH15, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được Quốc hội chỉ ra tại Nghị quyết số 74/2022/QH15.

II. NỘI DUNG

1. Nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế của tỉnh đã nêu chi tiết tại báo cáo số 330/BC-ĐGS. Đồng thời kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện về những tồn tại, hạn chế đã nêu. Cụ thể:

1.1. Trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hằng năm

1.1.1. Các tồn tại, hạn chế:

- Tồn tại, hạn chế nêu tại Báo cáo số 330/BC-ĐGS: Phân bổ vốn cho một số dự án chưa đảm bảo điều kiện quy định; bố trí vốn cho dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn;

- Tồn tại, hạn chế nếu tại Phụ lục số 1 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/QH15, Dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí giai đoạn 2016 -2021, gồm: Dự án Khu trung tâm thể thao tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng trường Đại học Hoa Lư; Dự án Ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình.

1.1.2. Đơn vị chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp khắc phục, đề xuất đối tượng trực tiếp khắc phục tồn tại, hạn chế và báo cáo kết quả thực hiện:

Sở Kế hoạch và Đầu tư.

1.1.3. Đơn vị khắc phục tồn tại, hạn chế:

Sở Văn hóa và Thể thao; Trường Đại học Hoa Lư; UBND huyện Yên Mô.

Đơn vị phối hợp, triển khai thực hiện: Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh; Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan. Thời gian thực hiện: Năm 2023

1.2. Trong quản lý, sử dụng tài sản công

1.2.1. Tồn tại, hạn chế nêu tại Báo cáo số 330/BC-ĐGS:

Theo Báo cáo của KTNN một số đơn vị được kiểm toán, trong đó có tỉnh Ninh Bình, trang bị xe ô tô, mô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe; sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn định mức hoặc sử dụng xe ô tô chưa phù hợp quy định.

1.2.1. Đơn vị chủ trì, tham mưu đề xuất giải pháp khắc phục, đề xuất đối tượng trực tiếp khắc phục tồn tại, hạn chế và báo cáo kết quả thực hiện:

Sở Tài chính.

1.2.2. Đơn vị khắc phục tồn tại, hạn chế:

UBND thành phố Ninh Bình, Chi cục Kiểm lâm.

[...]