Kế hoạch 5352/KH-UBND năm 2023 thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 5352/KH-UBND
Ngày ban hành 11/08/2023
Ngày có hiệu lực 11/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5352/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 11 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHI TRẢ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030; Quyết định số 06/QĐ- TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Công văn số 5234/LĐTBXH-TTTT ngày 23/12/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt đối với người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt các chế độ, chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.

b) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chi trả các chế độ, chính sách ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và trợ giúp xã hội.

c) Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận, thụ hưởng chính sách đầy đủ và chính xác; bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch, an toàn và tiết kiệm chi phí hành chính từ nguồn ngân sách nhà nước.

d) Nâng cao năng lực cho các cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách và chi trả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.

2. Yêu cầu

a) Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan và người dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức thực hiện.

b) Việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt trợ cấp ưu đãi người có công và bảo trợ xã hội không làm phát sinh thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nhóm đối tượng này

Năm 2023, thực hiện thí điểm tại huyện Đại Lộc và thành phố Hội An; khuyến khích các địa phương còn lại lựa chọn từ 01 đến 02 đơn vị cấp xã để triển khai thí điểm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố làm cơ sở tổng kết nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh kể từ năm 2024.

c) Phải đảm bảo trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ cho việc chi trả không dùng tiền mặt. Quy trình chi trả phải đảm bảo đơn giản, thuận lợi, dễ tiếp cận, sử dụng và phù hợp với các nhóm đối tượng chính sách và điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

d) Sự chủ động, phối hợp đồng bộ và thực hiện hiệu quả của đơn vị cung ứng dịch vụ chi trả.

đ) Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và bảo trợ xã hội có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận tiền qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt, với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng hưởng lợi.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Phạm vi triển khai thực hiện

Triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt chính sách trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và chính sách trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Đối tượng triển khai thực hiện

a) Người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào, người được cử làm chuyên gia sang giúp Lào và Căm-pu-chi-a đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, theo dõi thực hiện chế độ ưu đãi (sau đây gọi chung là người có công).

b) Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng; hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; người hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ và Nghị quyết số 43/20221/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam; người đang hưởng chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống theo quy định tại Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam.

3. Thời gian thực hiện: Kể từ ngày ban hành kế hoạch.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, vận động

a) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng và cộng đồng về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chuyển đổi từ hình thức trực tiếp chi trả trợ cấp bằng tiền mặt sang hình thức chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt để cho mọi người nắm được chủ trương của Đảng, Nhà nước và lợi ích của việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt (nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác, an toàn, nhiều tiện ích, tiện lợi; khắc phục tình trạng chậm chi trả, trùng lĩnh đối tượng, tiết kiệm chi phí hành chính của ngân sách Nhà nước…), qua đó tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện.

b) Xây dựng tài liệu tuyên truyền, tập huấn; tổ chức tập huấn hướng dẫn quy trình chi trả không dùng tiền mặt cho cán bộ xã, thôn/tổ…; các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị cho việc mở/sử dụng tài khoản nhận trợ cấp cho đối tượng, gia đình, người giám hộ, người được uỷ quyền...

2. Tổ chức thực hiện tốt công tác thu thập, cập nhật thông tin tài khoản, đăng ký phương thức chi trả không dùng tiền mặt

[...]