Kế hoạch 523/KH-UBND năm 2023 phát động phong trào "Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông" trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 523/KH-UBND
Ngày ban hành 24/11/2023
Ngày có hiệu lực 24/11/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 523/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA PHÁT HIỆN, CUNG CẤP THÔNG TIN PHẢN ÁNH CÁC HÀNH VI VI PHẠM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Trong những năm qua, với sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Tỉnh được duy trì ổn định, an toàn; tình trạng vi phạm an toàn giao thông, tai nạn và ùn tắc giao thông được kiềm chế.

Để tiếp tục duy trì tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn toàn Tỉnh; thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới; Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 13/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thôngnhư sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Triển khai thống nhất, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, trọng tâm là vận dụng triệt để thành tựu của Cuộc cách mạng 4.0 trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên”, một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phát huy dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

2. Huy động sự vào cuộc tổng thể, nâng cao trách nhiệm của các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tự ý thức, có trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm trật tự, an toàn giao thông, các hành vi gây hư hại kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông cho các cơ quan chức năng để chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

3. Thông tin phản ánh của Nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo khách quan, chính xác. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật; đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa xã hội, qua đó, vận động Nhân dân ủng hộ, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

4. Đảm bảo an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Phong trào "Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông" được triển khai trên phạm vi toàn Tỉnh; trong đó, tuyên truyền cho các tầng lớp Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn cách thức nhận diện, vận động Nhân dân chủ động phát hiện, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm.

2. Đối tượng: toàn thể quần chúng Nhân dân, cơ quan, đơn vị.

III. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai

1.1. Tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn xã hội, các cơ quan, đơn vị, mọi tầng lớp Nhân dân nhằm đẩy mạnh thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là: Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Nghị quyết số 149/NQ-CP ngày 21/9/2023 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 23- CT/TW; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông trong tình hình mới; Chỉ thị số 25- CT/TU ngày 04/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 182-KH/TU ngày 13/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 367/KH-UBND ngày 31/8/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW...

1.2. Phát động phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thôngkết hợp với phong trào thi đua Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minhvà các phong trào thi đua trên lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội... tạo sự đồng bộ giữa củng cố nền an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

2. Công tác tuyên truyền, vận động

2.1. Nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, vận động

(1) Tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông để việc thu thập, cung cấp thông tin đảm bảo chính xác, khách quan, có cơ sở, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường trên các tuyến giao thông được dư luận xã hội quan tâm, trọng tâm là: Xe ô tô khách chở quá số người quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy không đúng luồng tuyến; xe ô tô khách không có phù hiệu hoặc có nhưng không còn giá trị sử dụng vẫn hoạt động thường xuyên như tuyến cố định; xe hợp đồng hoạt động trá hình thường xuyên như xe cố định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, "cơi nới" thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; xe ô tô đi ngược chiều, dừng đỗ sai quy định; ô tô, xe máy lạng lách, đánh võng gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện khác, mất trật tự, an toàn xã hội...

(2) Trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, vận động người dân chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh về các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông bằng cách thức sau:

- Ghi nhận đầy đủ thông tin về: (1) Nội dung hành vi vi phạm; (2) Video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm (được ghi nhận bằng camera, máy ảnh, điện thoại thông minh...); (3) Thời gian phát hiện (ngày, giờ); (4) Tuyến đường xảy ra vi phạm (tên đường, vị trí nút giao, số kilomet theo mốc lộ giới, số nhà...; địa bàn hành chính cấp huyện,phường, xã); (5) Biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện (chủng loại xe, màu sơn...); (6) Chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể.

- Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh (qua các kênh tương tác trực tuyến như: số điện thoại của phòng Cảnh sát giao thông: 069.2928299; 069.2928340; trang Fanpage Facebook phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh: https://www.facebook.com/profile.php?id=100080316935326&mibextid=ZbWKwL) để tiếp nhận, xử lý tin; đồng thời, cung cấp thông tin về tên tuổi, số Căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp (để đảm bảo tính chính danh: Công an tỉnh có trách nhiệm bảo đảm bí mật đối với danh tính của người cung cấp tin) để phục vụ công tác thông tin, phản hồi (nếu cần thiết).

2.2. Biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động

- Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, gắn với việc phát động phong trào "Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông".

- Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội: Zalo, Facebook,...; Cổng thông tin điện tử của Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn.

- Niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức và khu dân cư; in, dán logo trên các phương tiện giao thông công cộng.

- Tuyên truyền trực tiếp tại các buổi tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm...; lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị, đoàn thể, câu lạc bộ tại các khu dân cư, tổ dân phố; công tác nắm, quản lý địa bàn của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn...

- Tổ chức treo băng rôn, hình ảnh, pa nô, áp phích, tranh cổ động, phát hành tờ rơi, tài liệu khuyến cáo, cẩm nang, đăng phát phóng sự, video clip tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông và có nội dung hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu của các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông.

[...]