Kế hoạch 52/KH-UBND năm 2023 về tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 16/02/2023
Ngày có hiệu lực 16/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN DỰ THẢO CHÍNH SÁCH ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI)

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thu đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII (Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 07/11/2022 của Thành ủy), Kết luận số 97-KL/TU ngày 10/11/2022 Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch tăng cường thông tin, tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi dự thảo các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các tổ chức và Nhân dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hiểu đúng và tạo sự đồng thuận của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, Nhân dân trong và ngoài nước về việc xây dựng chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm hoàn thiện Luật Thủ đô góp phần thúc đẩy hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Phát huy vai trò chủ động của chính quyền thành phố Hà Nội, sự huy động của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp tích cực của các cơ quan Trung ương, địa phương trong nước, doanh nghiệp, Nhân dân và toàn xã hội trong xây dựng, hoàn thiện các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội ban hành. Đồng thời, động viên, khuyến khích Nhân dân, tạo sự tích cực tham gia của toàn xã hội vào công tác xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát việc thi hành pháp luật về Thủ đô nói chung và Luật Thủ đô (sửa đổi) nói riêng.

- Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí của Trung ương và Thành phố; trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị Thành phố trong thực hiện truyền thông theo từng chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo lĩnh vực và quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

2. Yêu cầu

- Bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức, thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được ban hành; Đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm không trùng lắp và phù hợp với tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

- Các hoạt động thông tin, tuyên truyền phải bám sát các nhiệm vụ, hoạt động của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); nội dung các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm với hình thức phù hợp; xác định cụ thể thời gian, hình thức thực hiện, kết quả đầu ra và trách nhiệm chủ trì các Sở, ngành, đơn vị của thành phố Hà Nội theo lĩnh vực đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); sự phối hợp của cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp, các cơ quan Trung ương và địa phương; cơ quan truyền thông Trung ương và Thành phố; phối hợp của các cấp chính quyền Thành phố.

II. NỘI DUNG VÀ THỜI ĐIỂM TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung

- Sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Quan điểm, định hướng xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Mục đích, ý nghĩa của Luật Thủ đô (sửa đổi); các chính sách đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi).

- Sức lan toả, tác động xã hội của Luật Thủ đô (sửa đổi) và các chính sách đề xuất Luật Thủ đô (sửa đổi) tới xã hội, hệ thống chính trị Trung ương và địa phương cả nước, các cơ quan, ban, ngành Thành phố Hà Nội, Nhân dân Thủ đô, vùng Thủ đô và cả nước.

- Các sự kiện chính trị, pháp lý, các hoạt động tiêu biểu của Trung ương, Thành phố, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

- Các diễn đàn pháp luật về các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

- Các Hội thảo, tọa đàm về các chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

- Các nội dung khác có liên quan.

2. Thời điểm tuyên truyền

Cao điểm tuyên truyền năm 2023 và năm 2024 (trước, trong và sau thời điểm Quốc hội thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

III. CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tổ chức thông tin, tuyên truyền tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các chính sách đề xuất, xây dựng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến các Cơ quan Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành phố bằng hình thức phù hợp

a) Đơn vị thực hiện: UBND Thành phố Hà Nội

b) Đơn vị phối hợp: Các cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, các cơ quan truyền thông của Trung ương, tỉnh, thành phố trong cả nước.

c) Sản phẩm: Hội nghị, hội thảo, các bài viết, tin bài, sản phẩm thông tin, tuyên truyền pháp luật được đăng tải, phát sóng.

d) Thời gian thực hiện: Thường xuyên (năm 2023, năm 2024).

2. Tổ chức quán triệt, thông tin, tuyên truyền về tiến độ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các chính sách đề xuất, xây dựng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn Thành phố bằng hình thức phù hợp

[...]