Kế hoạch 52/KH-UBND năm 2022 về số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2030

Số hiệu 52/KH-UBND
Ngày ban hành 02/03/2022
Ngày có hiệu lực 02/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 02 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

SỐ HÓA VÀ ỨNG DỤNG TRÊN NỀN TẢNG SỐ HỒ SƠ KHOA HỌC, TƯ LIỆU DI SẢN VĂN HÓA TỈNH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2022-2030

Căn cứ Luật di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

Để phục vụ hiệu quả công tác quản lý, tra cứu tư liệu, tuyên truyền, giới thiệu giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2030, như sau:

I.MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thu thập các thông tin cơ bản nhằm rà soát, đánh giá thực trạng di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị;

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản văn hóa; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của các ngành, các cấp chính quyền địa phương và người dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa;

- Hệ thống hóa cơ sở dữ liệu trong quản lý, khai thác và cung cấp thông tin nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian; góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa;

- Chuyển đổi phương thức quản lý dữ liệu lưu trữ truyền thống sang quản lý, lưu trữ điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

- Giới thiệu, quảng bá hệ thống di sản văn hóa, hình ảnh vùng đất, con người Vĩnh Phúc thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số gắn với phát triển du lịch trực tuyến nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa Vĩnh Phúc của bạn bè trong nước và quốc tế.

2. Yêu cầu

- Công tác tổ chức, thu thập thông tin, xử lý số liệu, tổng hợp, công bố và lưu giữ thông tin phải được thực hiện theo đúng quy định của phương án điều tra. Bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác, kịp thời, không trùng lặp, không bỏ sót các thông tin quy định trong phương án điều tra. Bảo mật thông tin thu thập từ các đối tượng điều tra theo quy định của Luật Thống kê;

- Dữ liệu được số hóa đảm bảo tính xác thực, thống nhất quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu; tuân thủ các quy trình, kỹ thuật, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu theo quy định;

- Cổng thông tin về di sản văn hóa Vĩnh Phúc đảm bảo thân thiện, dễ sử dụng, hài hòa về bố cục, tính năng tốc độ truy cập nhanh, phục vụ tối đa nhu cầu của người truy cập và đảm bảo chế độ bảo mật thông tin;

- Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đảm bảo tốt công tác khai thác an toàn, đảm bảo tính bảo mật cho hệ thống cơ sở dữ liệu;

- Dữ liệu được số hóa đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và cập nhật bổ sung định kỳ;

- Trang thiết bị phục vụ công tác số hóa cơ sở dữ liệu; quản lý cơ sở dữ liệu phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sử dụng hiệu quả trong công tác quản lý và khai thác thông tin.

II. PHẠM VI, QUY MÔ

1. Phạm vi: Xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa về di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, theo thẩm quyền quy định tại khoản c, điểm 7, Điều 2 Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy mô:

- Số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh;

- Số hóa 100% các di sản tư liệu, các hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu Bảo tàng tỉnh;

- Số hóa 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một;

[...]