Kế hoạch 5039/KH-STP-VP năm 2021 về tổ chức và phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2022 do Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 5039/KH-STP-VP
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 28/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Huỳnh Văn Hạnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5039/KH-STP-VP

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC VÀ PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC NĂM 2022

Để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, hướng tới Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh (27/3/1982- 27/3/2022), Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh phát động đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành Tư pháp Thành phố phong trào thi đua năm 2022 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; tạo không khí thi đua sôi nổi; chủ động khắc phục và vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc Chương trình công tác Tư pháp năm 2022.

2. Thông qua phong trào thi đua rèn luyện, nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

3. Xây dựng, nêu gương những điển hình tiên tiến có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua để biểu dương, khen thưởng kịp thời và phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng tạo sự lan tỏa trong Ngành; củng cố, tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, phối hợp, trao đổi, học tập chia sẻ kinh nghiệm giữa các tập thể, cá nhân trong cơ quan, đơn vị và trong Ngành.

4. Nội dung, hình thức, phương thức phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải thiết thực, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, nội dung thi đua phải cụ thể; việc đăng ký thi đua, theo dõi và duy trì phong trào phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời chú trọng xây dựng và nhân rộng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến. Các hoạt động thi đua phải được tiến hành sâu rộng, gắn phong trào thi đua với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

II. Nội dung phong trào thi đua yêu nước năm 2022

Năm 2022, toàn ngành Tư pháp Thành phố ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao. Với chủ đề “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”, phong trào thi đua năm 2022 bám sát các nội dung chủ yếu sau:

1. Phát huy truyền thống của ngành Tư pháp Thành phố, sức mạnh tổng hợp, nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động, ý thức trách nhiệm, tính kỷ cương, kỷ luật; tăng cường sự năng động, sáng tạo, bám sát các nhiệm vụ chính trị, xây dựng phương châm hành động, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, giải pháp phù hợp để phát động, tổ chức thực hiện thực chất, có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, gắn kết với tổ chức thực hiện sâu rộng, toàn diện, hiệu quả các phong trào thi đua do Bộ Tư pháp phát động “Đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, vượt khó, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao” và các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề khác do Thành phố, Bộ Tư pháp phát động.

2. Tiếp tục tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; quán triệt triển khai Luật Thi đua, khen thưởng sửa đổi, bổ sung; các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ về công tác thi đua, khen thưởng.

3. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua, với hình thức phong phú, đa dạng, thực chất, chống mọi biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích trong tổ chức phong trào thi đua; tiếp tục đổi mới phương thức đánh giá kết quả phong trào thi đua; đẩy mạnh thi đua toàn diện trên các lĩnh vực công tác, thúc đẩy hoàn thành xuất sắc, về đích sớm các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao trong năm 2022. Thông qua các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng theo quy định.

4. Công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp đồng thuận, vượt khó, phát huy mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; phấn đấu 100% tập thể, cá nhân hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc về số lượng, tiến độ và chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch công tác được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

5. Chú trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, gắn với công tác truyền thông nhằm lan tỏa, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Các đơn vị có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng và phát hiện các nhân tố, điển hình mới trong từng năm, gắn với giai đoạn 2021-2025, được thực hiện từ cơ sở và thực hiện tốt cả 04 khâu: Phát hiện - Bồi dưỡng - Tổng kết - Nhân rộng điển hình tiên tiến.

6. Nâng cao chất lượng khen thưởng, khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng người, đúng thành tích; chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, xuất sắc, cán bộ, công chức người trực tiếp lao động. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, làm cho phong trào thi đua không ngừng phát triển, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ động viên cán bộ, công chức ra sức phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp trong toàn Ngành.

7. Tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa Chào mừng Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh (27/3/1982-27/3/2022)

8. Tiếp tục thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, xây dựng, thực hiện quy trình giải quyết công việc khoa học, chuyên nghiệp, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm bớt thủ tục không cần thiết trong công tác chuyên môn nghiệp vụ và công tác thi đua, khen thưởng; phấn đấu thực hiện tốt phương châm “Nói không với hồ sơ trễ hẹn”.

9. Củng cố, kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức làm công tác thi đua khen thưởng; tiếp tục kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng thi đua khen thưởng Sở Tư pháp góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả về công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành.

10. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả các phong trào thi đua trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, có biện pháp cụ thể để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và công tác khen thưởng.

III. Tổ chức thực hiện

- Sở Tư pháp chia các Phòng Chuyên môn và Đơn vị trực thuộc thành 02 Khối Thi đua, gồm:

+ Khối các Phòng Chuyên môn Sở

+ Khối các Đơn vị trực thuộc

Cuối năm, các Khối Thi đua tổ chức họp và bình xét, suy tôn đơn vị dẫn đầu Khối để đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Cờ Thi đua của Thành phố.

- Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt việc phát động phong trào thi đua đến từng tập thể, cá nhân.

- Trưởng các Phòng Chuyên môn, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tổ chức cho công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc việc đăng ký thi đua. Kết quả đăng ký thi đua gửi về Văn phòng Sở trước ngày 20/01/2022.

- Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua, gắn công tác thi đua khen thưởng với việc hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ; coi việc tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua là công việc thường xuyên, là động lực để thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị và là biện pháp để xây dựng, rèn luyện đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị.

[...]