Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 50/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 50/KH-UBND
Ngày ban hành 26/06/2017
Ngày có hiệu lực 26/06/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Lê Thị Kim Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 26 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA - XÃ HỘI ASEAN ĐẾN NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (Đề án);

Căn cứ Văn bản số 540/LĐTBXH-BTXH ngày 20/02/2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực hiện Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án giai đoạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở địa phương các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025, góp phần cùng cả nước đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ quan, tổ chức và người dân về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.

- Huy động nguồn lực để đảm bảo thực hiện một cách hiệu quả các mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết và mang lại lợi ích, hòa nhập, bền vững, tự lực tự cường và năng động.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Tăng cường tuyên truyền về hội nhập quốc tế và các mục tiêu của cộng đồng ASEAN

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về hội nhập quốc tế, các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và người dân về hội nhập quốc tế và về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN; nhằm mang lại lợi ích cho người dân, hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm để thực hiện các mục tiêu về văn hóa, xã hội với các tiêu chí về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, môi trường, văn hóa, thông tin. Thông qua công tác tuyên truyền, giao lưu, hợp tác về văn hóa, giáo dục, môi trường, chính sách về y tế, an sinh xã hội… góp phần tích cực và chủ động vào quá trình hội nhập của tỉnh.

- Tuyên truyền về các sự kiện quan trọng của ASEAN diễn ra định kỳ và đột xuất như Hội nghị cấp cao, Hội nghị cấp Bộ trưởng; kỷ niệm ngày thành lập ASEAN (08/8), kỷ niệm ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7), tạo cơ chế và diễn đàn để người dân và doanh nghiệp trao đổi, giao lưu và tìm hiểu về Cộng đồng ASEAN.

- Tuyên truyền mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN đến năm 2025 với ba trụ cột chính: Cộng đồng an ninh (ASC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC). Ý nghĩa của việc hình thành Cộng đồng ASEAN đối với hợp tác và phát triển chung ở khu vực cũng như từng quốc gia; những lợi ích thiết thực mà Cộng đồng ASEAN mang lại cho người dân các quốc gia thành viên và cơ hội để người dân có thể tham gia đóng góp cho cộng đồng.

- Giới thiệu về lịch sử, văn hóa, đời sống của người dân các quốc gia thành viên trong Cộng đồng ASEAN; tiềm năng, thế mạnh hợp tác mà Việt Nam nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng có thể khai thác từ các quốc gia này. Tuyên truyền làm nổi bật những đóng góp dấu ấn của Việt Nam trong quá trình tham gia, nhất là trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; nêu rõ những tiềm năng, thế mạnh, các cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam, của tỉnh Tuyên Quang khi tham gia vào Cộng đồng ASEAN.

- Quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, cơ hội kinh doanh, đầu tư, du lịch... của Việt Nam, của tỉnh Tuyên Quang đến các nước thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN. Chú trọng tuyên truyền về các di sản lịch sử, văn hóa, thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin để người dân và doanh nghiệp của tỉnh trao đổi, giao lưu, tìm hiểu về Cộng đồng ASEAN; cơ hội du lịch, kinh doanh, đầu tư, học tập tại các quốc gia Cộng đồng ASEAN.

2. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân

- Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan, trong đó chú trọng sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá các chương trình, chính sách, pháp luật, hoạt động liên quan đến các lĩnh vực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (chăm sóc sức khỏe, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa, môi trường, biến đổi khí hậu, an sinh xã hội) nhằm đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật đối với người dân.

- Từng bước hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, xác định rõ trách nhiệm của tng cơ quan, tổ chức và cá nhân; củng cố và hoàn thiện hệ thng dịch vụ xã hội, dịch vụ hành chính công phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.

3. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp về an sinh xã hội, trợ giúp xã hội nhằm giảm dần rào cản, bất bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống, đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng với an sinh xã hội cho tất cả mọi người, giảm dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng, miền trong tỉnh.

- Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch về việc làm, giảm nghèo, trợ giúp xã hội, bình đẳng giới, giáo dục, y tế, bảo vệ chăm sóc trẻ em…đảm bảo để người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội một cách đầy đủ, đúng quy định, tạo môi trường hòa nhập, bình đẳng cho tất cả mọi người.

- Thúc đẩy, bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm người trong xã hội; đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng đặc thù trong xã hội; chú trọng đảm bảo và thực hiện đầy đủ quyền cho nhóm người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo.

4. Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng bền vững

- Bảo tồn, quản lý bền vững đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang, Lâm Bình. Thực hiện tốt công tác phát triển và bảo vệ rừng.

- Tiếp tục nghiên cứu, có các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu văn hóa truyền thống (bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) của các dân tộc.

[...]