Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 488/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chiến lược sở hữu trí tuệ năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 488/KH-UBND
Ngày ban hành 05/10/2021
Ngày có hiệu lực 05/10/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 488/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 05 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030; Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát triển hệ thống SHTT đồng bộ, hiệu quả ở các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác, thực thi quyền SHTT. Đưa SHTT thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới, nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế.

Xác định các sản phẩm thế mạnh của tỉnh để tập trung hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, khai thác tài sản trí tuệ cho các chủ sở hữu trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về SHTT, khuyến khích và bảo đảm hoạt động cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các chủ sở hữu; góp phần nâng cao nhận thức của các chủ sở hữu và người dân trên địa bàn tỉnh về SHTT.

2. Yêu cầu

Cụ thể hoá và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tiễn của tỉnh trong từng giai đoạn; lồng ghép các hoạt động triển khai Chiến lược SHTT của Thủ tướng Chính phủ trong các đề án, chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các ngành, đơn vị và địa phương.

Phân công rõ nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện; đảm bảo tính hiệu quả, phát huy được vai trò của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện Kế hoạch này.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Triển khai thực hiện Chiến lược SHTT của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với thực tiễn địa phương, đạt kết quả cao. Nâng cao nhận thức, hiệu quả và phát huy tính chủ động của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trong việc tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Đến năm 2025, Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh nằm trong tốp 15 của cả nước về bảo hộ, khai thác quyền SHTT. Đến năm 2030, Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh nằm trong tốp 10 của cả nước về bảo hộ, khai thác quyền SHTT.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn 2021-2025

- Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ giá trị tài sản trí tuệ cho cả 03 đối tượng: Quyền sở hữu công nghiệp; quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền đối với giống cây trồng. Trong đó: Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho trên 1.800 lượt đại biểu về lĩnh vực sở hữu công nghiệp; 1.200 đại biểu về lĩnh vực quyền tác giả và các quyền liên quan đến tác giả; 600 đại biểu liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng.

- Xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp về thực thi quyền SHTT giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về SHTT, giảm thiểu tình trạng xâm phạm quyền SHTT.

- Tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh gia tăng về số lượng văn bằng được bảo hộ trong nước và nước ngoài:

a) Đối với quyền sở hữu công nghiệp:

- Có 01 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mới tại nước ngoài.

- Có 02 - 03 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ mới trong nước.

- Có 03 - 04 nhãn hiệu chứng nhận mới được bảo hộ trong nước.

- Có 15 - 25 nhãn hiệu tập thể được bảo hộ mới trong nước.

- Có 01 - 02 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp văn bằng độc quyền.

- Có 05 - 07 kiểu dáng công nghiệp được cấp Giấy chứng nhận.

[...]