Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 47/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030

Số hiệu 47/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2021
Ngày có hiệu lực 31/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 31 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi là Chương trình), UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021 - 2030, cụ thể như sau:

A. PHẦN THỨ NHẤT

1. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2010 - 2020

1.1. Công tác chỉ đạo, triển khai

Sau khi Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án 32) có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 17/5/2011 triển khai thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: tuyên truyền về nghề công tác xã hội; nâng cấp cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; củng cố phát triển và đào tạo tập huấn cho đội ngũ làm công tác xã hội, nhằm đạt được mục tiêu bước đầu nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội, xây dựng đội ngũ làm công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về chất lượng, gắn với hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, xây dựng hệ thống an sinh xã hội vững mạnh.

Để đảm bảo công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện thường xuyên liên tục, phát huy hiệu quả cao, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 32, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ làm Phó trưởng Ban, Lãnh đạo các Sở, ban, ngành làm ủy viên; đồng thời, thành lập Tổ giúp việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo xây dựng các Chương trình, kế hoạch hằng năm triển khai thực hiện, báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Ban chỉ đạo thường xuyên kiện toàn, bổ sung khi có thay đổi về nhân sự.

Căn cứ Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 17/5/2011, UBND tỉnh đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Kế hoạch hàng năm để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về nghề công tác xã hội nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về nghề công tác xã hội cũng như xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng.

1.2. Công tác tuyên truyền

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Bình, các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ba cấp đưa các tin bài, phóng sự tuyên truyền về nghề công tác xã hội. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: lồng ghép trong các hội nghị, in phát tờ rơi tờ gấp, treo băng rôn tuyên truyền,... Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề trợ giúp xã hội cho những đối tượng yếu thế, khó khăn trong xã hội như người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt,... Các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.

1.3. Xây dựng, mở rộng, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội

Ngày 05/11/2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 931/QĐ-UBND kiện toàn, đổi tên Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Ninh Bình thành Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Ninh Bình, với chức năng nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, tư vấn trợ giúp về luật pháp, chính sách, tâm lý cho các đối tượng có vấn đề xã hội và tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng các đối tượng: Trẻ em mồ côi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trẻ khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo; người khuyết tật đặc biệt nặng; đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Hiện nay, trung tâm có 59 cán bộ, trong đó: 04 cán bộ trình độ trên đại học, 41 cán bộ trình độ cao đẳng, đại học, 14 cán bộ trình độ trung cấp và còn lại; Có 01 bác sĩ, 05 điều dưỡng, 01 y sĩ. Trung tâm đang nuôi dưỡng 92 đối tượng. Trong đó: Người cao tuổi cô đơn là 45 đối tượng; Người khuyết tật đặc biệt nặng là 29 đối tượng; Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 17 đối tượng; Trẻ em nhiễm HIV là 01 đối tượng.

Giai đoạn 2010-2020, được sự quan tâm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh được đầu tư mở rộng, cải tạo nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật; đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động được củng cố tăng cường, được cử đi đào tạo các lớp đại học, sau đại học chuyên ngành y tế, công tác xã hội; chỉ tiêu nuôi dưỡng đối tượng được quan tâm bổ sung đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc y tế được cải thiện và nâng lên đáng kể. Tổ chức bộ máy của Trung tâm được tập trung kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đảm bảo cơ cấu theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; áp dụng các hình thức tuyển dụng theo nguyên tắc thi tuyển. Mức tiền ăn, tiền sinh hoạt phí cho các đối tượng bảo trợ xã hội được nâng lên, giai đoạn 2010-2015 thực hiện theo Quyết định số 622/QĐ-UBND của UBND tỉnh, theo đó mức trợ cấp tiền ăn là 650.000 đồng/người/tháng; mức trợ cấp sinh hoạt là 100.000 đồng/người/tháng. Giai đoạn 2016-2020, thực hiện theo Quyết định số 277/QĐ-UBND theo đó mức tiền ăn cho trẻ em dưới 04 tuổi là 1.350.000 đồng/người/tháng (bằng mức quy định của Chính phủ), đối với các đối tượng bảo trợ xã hội khác là 1.080.000 đồng/người/tháng (cao hơn mức quy định); mức trợ cấp sinh hoạt là 200.000 đồng/người/tháng.

Ngày 26/11/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện công tác xã hội trong bệnh viện dưới 2 hình thức: Phòng Công tác xã hội và Tổ công tác xã hội. Phòng Công tác xã hội bệnh viện có 02 Phòng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh với tổng số 15 nhân viên làm công tác xã hội (trong đó có 01 nhân viên giữ ngạch Công tác xã hội và còn lại được đào tạo, bồi dưỡng về công tác xã hội). Tổ công tác xã hội có 12 tổ thuộc các khoa Khám bệnh hoặc phòng Điều dưỡng, phòng Kế hoạch tổng hợp tại 05 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 02 bệnh viện Đa khoa tuyến huyện và 05 Trung tâm Y tế huyện, thành phố với tổng số 68 nhân viên làm công tác xã hội đều được đào tạo và bồi dưỡng về công tác xã hội góp phần: Hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh; Thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động tiếp nhận tài trợ hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị dài ngày tại bệnh viện.

Để phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trong trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng đã sắp xếp hơn 400 cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội trong các trường học theo hướng dẫn tại Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu: Nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật. Nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ của người học trong việc hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội trong trường học. Kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trong trường học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

1.4. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên

a) Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn

Giai đoạn 2011-2015, đã tổ chức tập huấn công tác xã hội cho trên 800 người là cán bộ các Sở, ngành, đoàn thể: Nội vụ, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; cán bộ cơ sở trợ giúp xã hội. Nội dung tập huấn tập trung nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội; những chính sách đối với nghề công tác xã hội; kỹ năng cơ bản cần thiết về nghề công tác xã hội, ...

Giai đoạn 2016-2020, đã tổ chức tập huấn công tác xã hội cho trên 1.200 người là cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp; cán bộ các cơ sở trợ giúp xã hội; người làm công tác xã hội cấp thôn, bản, tổ dân phố. Thông qua hội nghị tập huấn đã trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết của người làm công tác xã hội nhằm thực hiện nhiệm vụ trợ giúp đối tượng như: các quy định về chức năng nhiệm vụ, tiêu chuẩn, trình độ của cộng tác viên công tác xã hội; các kỹ năng cơ bản của người làm công tác xã hội; kỹ năng quản lý trường hợp; kỹ năng làm việc với các nhóm đối tượng đặc thù, ...

b) Đào tạo dài hạn

Năm 2013, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tuyển sinh đào tạo, khai giảng 01 lớp Đại học hệ vừa học vừa làm chuyên ngành công tác xã hội cho 140 cán bộ, công chức, viên chức lao động hợp đồng làm việc tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh. Thời gian đào tạo 5 năm (gồm 9 học kỳ, 5 tháng/01 học kỳ), tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và tại chức Ninh Bình. Năm 2018, sau khi kết thúc khóa học đã có 96 học viên tốt nghiệp đại học, chuyên ngành đào tạo công tác xã hội đem lại nguồn cán bộ công chức, viên chức, nhân viên làm nghề công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng vận dụng vào công việc chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội.

2. Khó khăn, tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện phát triển nghề công tác xã hội trong những năm qua còn có những khó khăn, tồn tại như sau:

Nghề công tác xã hội là một nghề còn mới, vì vậy nhu cầu đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội từ tỉnh xuống cơ sở rất lớn trong khi kinh phí còn hạn chế nên dẫn đến các hoạt động mở lớp đào tạo và tập huấn cho cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh còn rất ít chủ yếu là các hoạt động lồng ghép với lĩnh vực khác của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Công tác tuyên truyền về nghề công tác xã hội đã được triển khai tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế do nhận thức về nghề công tác xã hội đối với một bộ phận nhân dân thậm chí là cán bộ, công chức vẫn còn hạn chế.

Hệ thống văn bản hành lang pháp lý cho hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội còn thiếu, chưa đồng bộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa có đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội ở các xã, phường, thị trấn do khó khăn về kinh phí của ngân sách địa phương, chủ yếu là do cán bộ Lao động - Thương binh và xã hội kiêm nhiệm.

B. PHẦN THỨ HAI

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2030

[...]