Kế hoạch 4647/KH-UBND tăng cường kiểm tra, thanh tra phòng, chống cháy nổ trên địa bàn Quận 8, thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến cuối năm 2007

Số hiệu 4647/KH-UBND
Ngày ban hành 21/08/2007
Ngày có hiệu lực 21/08/2007
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận 8
Người ký Nguyễn Thành Chung
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4647/KH-UBND

Quận 8, ngày 21 tháng 8 năm 2007

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, THANH TRA PHÒNG, CHỐNG CHÁY NỔ TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 8 TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2007

Căn cứ Công văn số 2452/UBND-NC ngày 02 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm tra, thanh tra phòng, chống cháy nổ trong năm 2007;

Căn cứ Kế hoạch số 46/KH-CSPC&CCTP (TM) ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh về việc tăng cường kiểm tra, thanh tra phòng, chống cháy nổ trong năm 2007;

Ủy ban nhân dân quận 8 xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các biện pháp tăng cường thanh tra phòng, chống cháy nổ từ nay đến cuối năm 2007 trên địa bàn quận 8 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Nắm chắc tình hình công tác quản lý phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trọng điểm như gaz, xăng dầu; khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Qua đó phát hiện các yếu tố có thể dẫn đến những nguyên nhân gây cháy, nổ lớn, để kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

2. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân 16 phường và các cơ sở đóng trên địa bàn quận khắc phục kịp thời các thiếu sót về an toàn phòng cháy, chữa cháy, nhằm đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong các khu dân cư và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

3. Đảm bảo các điều kiện an toàn về thoát nạn, thoát hiểm khi có cháy, nổ xảy ra tập trung các chợ, khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao và đông người, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở, đơn vị.

II. THỰC HIỆN NHỮNG GIẢI PHÁP:

1. Những khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao tổ chức tốt công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực công tác phòng cháy, chữa cháy. Qua khu phố, tổ dân phố tuyên truyền đến từng hộ gia đình sử dụng bếp, nơi thờ cúng, sử dụng điện an toàn. Xử lý triệt để các hộ, gia đình vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

2. Phát động phong trào thi đua xây dựng tổ dân phố, khu phố, khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy, gắn với việc xây dựng khu phố văn hóa và phường văn hóa.

3. Xây dựng, tạo ranh giới an toàn, chống cháy lan tại các khu dân cư, khảo sát đề xuất vị trí xây dựng các bể nước, giếng khoan phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư và xây dựng các bãi đậu xe chữa cháy lấy nước phục vụ các công tác chữa cháy dọc theo các tuyến sông rạch trên địa bàn mình quản lý.

- Vận động các hộ, gia đình tự trang bị bình chữa cháy, mỗi hộ, gia đình tối thiểu có một bình chữa cháy loại khí CO2 hoặc bột khô (trọng lượng từ 4kg đến 8kg), kịp thời huy động ngăn chặn dập tắt khi có cháy, nổ xảy ra từ lúc ban đầu.

- Tự kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư…

4. Khu vực sản xuất tư nhân, Chợ và Trung tâm thương mại :

- Thành lập Ban Chỉ đạo Phòng cháy và chữa cháy tại đơn vị, cơ sở.

- Sắp xếp quy trình công nghệ phù hợp với mặt bằng kinh doanh, sản xuất, tăng khả năng chịu lửa bằng cách nâng cấp nhà xưởng, nhà kho với vật liệu khó cháy và không cháy.

- Tăng cường công tác kiểm tra để khắc phục kịp thời hệ thống điện không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

- Bố trí, sắp xếp hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh hợp lý, đúng nơi quy định và khoảng cách an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

- Lắp đặt bổ sung các phương tiện, dụng cụ và hệ thống phòng cháy, chữa cháy tại chỗ thật sự có hiệu quả.

- Xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ phải đủ số lượng so vơi nhu cầu và phải được tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy thường xuyên, nhằm đảm bảo sử dụng thành thạo các trang bị, dụng cụ phương tiện chữa cháy và phát hiện xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ cháy khi mới xảy ra.

- Phải khống chế vùng cháy bằng các biện pháp chọn vị trí và xây tường ngăn cháy lan.

- Khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải cách ly với khu vực dân cư, mỗi khu vực phải có lối thoát riêng, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

- Các quầy, sạp phải được thiết kế xây dựng bằng vật liệu khó cháy, không cháy.

- Đảm bảo hành lang và khoảng cách an toàn như thiết kế đã được duyệt.

- Lắp đặt các hệ thống báo cháy tự động, cấp nước chữa cháy bên trong và bên ngoài nhà theo quy định.

5. Nơi tập trung đông người:

[...]