Kế hoạch 4605/KH-UBND năm 2016 thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 4605/KH-UBND
Ngày ban hành 08/12/2016
Ngày có hiệu lực 08/12/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Đức Hòa
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4605/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 08 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC TIẾP NHẬN, XÁC MINH, BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN BỊ MUA BÁN TRỞ VỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Quyết định số 2546/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020;

Kế hoạch số 15/KH-BCĐ ngày 19/01/2016 của Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Nhằm tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống tội phạm mua bán người và thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

- Nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, y tế, giáo dục, học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.

- Phát huy tối đa sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, góp phần đảm bảo cho nạn nhân bị mua bán khi trở về có cơ hội tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, hòa nhập với cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước khi có yêu cầu.

- 100% nạn nhân và người thân thích có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật.

- 100% nạn nhân bị mua bán trở về có nhu cầu được hỗ trợ chế độ theo quy định của pháp luật.

- 100% cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại các xã, phường, thị trấn được tập huấn về nghiệp vụ trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đưa công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trở thành một trong những nội dung của các văn bản về phát triển kinh tế - ổn định xã hội của địa phương. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đội ngũ lãnh đạo của Đảng ở các cấp và các Đảng viên tham gia vào công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tội phạm mua bán người trong toàn xã hội. Chú trọng giới thiệu rộng rãi các dịch vụ xã hội hiện có dành cho các nạn nhân; địa chỉ của các tổ chức, cơ quan giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân và tái hòa nhập cộng đồng. Xây dựng phong trào giúp đỡ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về, chống kỳ thị, phân biệt đối xử và thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin theo nguyện vọng của nạn nhân. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, thị xã, thành phố về công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân.

3. Tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, phân loại, bàn giao các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về; hỗ trợ kịp thời, trực tiếp cho nạn nhân về pháp lý, y tế, giáo dục và xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi ngay từ ban đầu cho họ để nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng.

4. Phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát tình hình nạn nhân bị mua bán trở về để xây dựng cơ sở dữ liệu và thiết lập hệ thống thông tin về tình hình nạn nhân bị mua bán trở về; thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, đặc biệt nạn nhân là trẻ em.

5. Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân: Hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ giúp pháp lý miễn phí... đảm bảo hiệu quả công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng; nâng chất lượng hoạt động cơ sở hỗ trợ nạn nhân, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quy trình tiếp nhận và hỗ trợ để thống nhất hoạt động chuyển tuyến nạn nhân trong toàn tỉnh; kết nối thông tin với các tỉnh bạn trong việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời thống kê, cập nhật danh sách và lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán trở về để tư vấn, xác định nhu cầu, trình độ, hoàn cảnh gia đình để có kế hoạch trợ giúp thích hợp.

6. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong hỗ trợ, giúp đỡ người bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng thông qua các mô hình hỗ trợ vay vốn tín dụng; thực hiện lồng ghép dịch vụ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nạn nhân bị mua bán với các dịch vụ xã hội và nguồn lực hiện có của các chương trình phòng chống mại dâm, ma túy, phòng chống HIV/AIDS, xâm hại tình dục trẻ em; hỗ trợ các chương trình dạy nghề và lồng ghép với chương trình “Xóa đói giảm nghèo” tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, ổn định cuộc sống hạn chế rủi ro trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người vì mục đích di cư tìm việc.

7. Phát huy hiệu quả cơ chế phối hợp trong phòng, chống mua bán người với các tỉnh, thành phố nhằm trao đổi thông tin, giải quyết vụ việc mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người.

8. Đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận và thực hiện chế độ hỗ trợ ban đầu cho người bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch sử dụng từ nguồn vốn Trung ương cấp bổ sung cho tỉnh để thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người và nguồn chi thường xuyên giao cho các đơn vị hàng năm. Ngoài ra, được huy động từ Quỹ phòng, chống tội phạm, viện trợ quốc tế và huy động nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Xây dựng kế hoạch hàng năm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để tiếp nhận nạn nhân, chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện trong công tác tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về được xác minh. Phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thống kê danh sách nạn nhân có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm để tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ, giới thiệu việc làm để ổn định cuộc sống.

[...]