Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chương trình hành động 17-CTr/TU định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2030

Số hiệu 42/KH-UBND
Ngày ban hành 21/05/2019
Ngày có hiệu lực 21/05/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Phan Cao Thắng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/KH-UBND

Bình Định, ngày 21 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 17-CTR/TU NGÀY 27/8/2018 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 27/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Chương trình hành động số 17-CTr/TU và Nghị quyết số 23-NQ/TW), UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030

1. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đến năm 2020 đạt 26,1%, đến năm 2025 đạt 29% và đến năm 2030 đạt khoảng 35%.

2. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đến năm 2020 đạt 12%; bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11,5%/năm, giai đoạn 2026 - 2030 đạt 14,5%/năm.

3. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đến năm 2020 đạt 58,2%, đến năm 2025 đạt 63% và đến năm 2030 đạt 70%.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chính sách phát triển công nghiệp; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

- Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 23-NQ/TW, Chương trình hành động số 17-CTr/TU và Kế hoạch này đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức và các doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm hành động trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2030.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp, có phân công, phân cấp rõ ràng. Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách đảm bảo hiệu quả, thống nhất; khắc phục kịp thời tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, thực thi kém hiệu quả các quy định pháp luật.

- Tăng cường sự tham gia thiết thực, có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các đối tượng chịu tác động của chính sách vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi chính sách công nghiệp.

2. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phát triển công nghiệp, ưu tiên đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp

- Rà soát sửa đổi, bổ sung định hướng phát triển công nghiệp gắn với xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2035.

- Xây dựng Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp Bình Định đến năm 2030 để thực hiện điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế trên từng vùng, từng địa phương theo hướng tập trung, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh. Có chính sách thúc đẩy việc dịch chuyển các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động có trình độ kỹ thuật thấp, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.

- Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hợp lý, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm ngày càng cao; tăng tỷ lệ nội địa hóa; nâng cao năng suất lao động công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp, tạo nhiều sản phẩm có thương hiệu cạnh tranh tham gia chuỗi giá trị ở thị trường trong nước và thế giới.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, hiện đại, phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Trên cơ sở các tiêu chí của Trung ương ban hành, các điều kiện, cơ chế cụ thể xác định các cụm liên kết ngành để hỗ trợ phát triển bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; xác định vị trí cụ thể, dành quỹ đất phù hợp cho phát triển hạ tầng công nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - hạ tầng xã hội của các khu, cụm công nghiệp (CCN); rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế và Quy hoạch chi tiết các khu công nghiệp (KCN) để phục vụ công tác thu hút đầu tư. Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng các khu, CCN; đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật để đưa vào hoạt động ổn định KCN Hòa Hội; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư hạ tầng KCN Bình Nghi, KCN Long Mỹ (giai đoạn 2); hỗ trợ nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động KCN Becamex Bình Định. Giải quyết một phần tình trạng thiếu nhà ở xã hội cho người lao động tại các KCN.

- Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các CCN theo quy hoạch đến năm 2030; xây dựng chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Đầu tư dựng, nâng cấp tu sửa hạ tầng kỹ thuật bên ngoài để kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật các khu, CCN.

3. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thúc đẩy công nghiệp phát triển

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tăng cường minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức kết nối thông tin cung cầu và tham dự hội chợ, triển lãm phát triển thị trường. Tạo điều kiện về đất đai, mặt bằng sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, công tác bảo hộ quyền sở hữu công nghệ và thương hiệu, hỗ trợ đào tạo lao động để các doanh nghiệp có điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

- Tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp công nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại.

- Áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.

4. Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp

- Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc mọi thành phần kinh tế. Bước đầu hình thành và phát triển hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp. Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghiệp ưu tiên. Xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; Đề án bố trí quỹ đất để hình thành phát triển CCN, khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu kinh tế, KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.

- Chủ động triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có. Rà soát, nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Định hướng lựa chọn, khuyến khích mời gọi các dự án FDI vào các ngành công nghiệp đến năm 2030 theo hướng: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ "cao, mới, sạch, tiết kiệm", sử dụng nguyên liệu, phụ liệu của tỉnh.

5. Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên

- Trên cơ sở danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển quốc gia, lựa chọn một số ngành công nghiệp của tỉnh có lợi thế như công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, may mặc - da giày, cơ khí, một số sản phẩm chế biến từ nông, lâm, sản... có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác để ưu tiên phát triển.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ