Kế hoạch 38/KH-UBND về kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính năm 2022 do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 38/KH-UBND
Ngày ban hành 21/02/2022
Ngày có hiệu lực 21/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 21 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH NĂM 2022

Căn cứ Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc;

Để tiếp tục triển khai hiệu quả chủ đề "Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá", UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch kiểm tra thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thông qua hoạt động kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng phục vụ đối với tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân.

b) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có phong cách ứng xử văn minh, tuân thủ các quy định trong hoạt động công vụ, góp phần xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

c) Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; phòng, chống các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

2. Yêu cầu

a) Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời, khách quan, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động đối với cán bộ, công chức, viên chức.

b) Qua kiểm tra, kết luận được những vấn đề còn hạn chế, cần khắc phục trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính của các cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời những gương điển hình, tiêu biểu.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Đối tượng kiểm tra

a) Các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh.

b) UBND các huyện, thành phố.

c) Các phòng, ban, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

d) UBND các xã, phường, thị trấn.

đ) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

2. Nội dung kiểm tra

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức theo các văn bản của Trung ương và của tỉnh[1]; việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Trọng tâm là kiểm tra các nội dung sau:

a) Việc ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên về kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính;

b) Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; việc phân công nhiệm vụ, thực hiện chế độ họp, thực hiện quy trình giải quyết công việc, kiểm tra, kiểm soát công việc;

c) Kết quả triển khai thực hiện các nội dung công việc, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND giao trong năm; thực hiện các thông báo, kết luận, ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ); tham mưu các giải pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý của các cơ quan, đơn vị;

d) Việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị (như: Quy chế làm việc, Quy chế thực hiện dân chủ, Quy chế văn hóa công sở, Quy tắc ứng xử, Quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính…);

đ) Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu, đề xuất nhiệm vụ được giao (tính chủ động, đổi mới, sáng tạo trong công việc); thái độ giao tiếp, ứng xử trong giải quyết công việc, giải quyết thủ tục hành chính; việc chấp hành nội quy, quy chế, chấp hành quy định về đeo thẻ công chức, viên chức, giờ giấc làm việc, chấp hành quy định về không hút thuốc, không sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống;

e) Việc thực hiện các quy định về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính (việc phân công công chức tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính, làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; niêm yết thủ tục hành chính; thực hiện khắc phục chỉ số cải cách hành chính; kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp…);

g) Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong công tác cải cách hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số; ứng dụng Cổng dịch vụ công một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng phần mềm công chức, viên chức trong lưu trữ, theo dõi hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức;

[...]