Kế hoạch 3720/KH-UBND năm 2020 xúc tiến thương mại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 3720/KH-UBND
Ngày ban hành 24/08/2020
Ngày có hiệu lực 24/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3720/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 24 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Phú Thọ đã có định hướng phát triển thương mại dịch vụ theo hướng hiện đại hóa, gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất thời kỳ công nghiệp hóa và tiến trình hội nhập kinh tế của cả nước. Gắn kết chặt chẽ việc sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân và nhu cầu xuất khẩu tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. Nhiều nội dung xúc tiến thương mại được thực hiện nhằm ổn định, phát triển thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu góp phần đẩy mạnh chỉ tiêu xuất khẩu ngày càng tăng (năm 2019 chỉ tiêu xuất khẩu đã đạt trên 2 tỷ USD). Nhiều chương trình kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nông sản tiêu biểu của tỉnh ra thị trường ngoài tỉnh đã triển khai có hiệu quả. Các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, đáp ứng các điều kiện cần thiết để đưa hàng hoá vào tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại thời gian qua còn một số hạn chế như: Các hoạt động XTTM chưa được đa dạng hóa; Cách thức tiếp cận thị trường qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số còn hạn chế; Chưa có kế hoạch phát triển xuất khẩu trung và dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm; các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, tư vấn thông tin ngoài thị trường, kết nối giữa người mua và người bán, giữa các nhà xuất khẩu của tỉnh với các nhà nhập khẩu nước ngoài và ngược lại chưa được thực hiện thường xuyên; Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết lợi ích và quan tâm đúng mức đến công tác xúc tiến thương mại, chưa có nhiều sản phẩm của tỉnh tiếp cận được với hệ thống bán hàng lớn, hệ thống bán hàng toàn cầu; công tác xây dựng, nhận diện phát triển thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức;…

Để duy trì và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại của tỉnh thời gian tới, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa của tỉnh, tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xét đề nghị của Sở Công tại Tờ trình số 39/TTr-SCT ngày 20 tháng 8 năm 2020, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025; với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa) các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các làng nghề truyền thống, các sản phẩm chủ lực có thế mạnh của tỉnh, các sản phẩm chăn nuôi (thịt gà, lợn, trâu, bò, cá…), các sản phẩm nông, lâm sản chế biến. Duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt tới thị trường nông thôn, miền núi góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu hàng hóa theo hướng tăng xuất khẩu những mặt hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô.

- Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh về vai trò, lợi ích và kỹ năng xúc tiến thương mại trong sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế.

- Khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế vào thực hiện công tác xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025 phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cùng thời kỳ, phù hợp kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch; tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2020-2025; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu theo kế hoạch đề ra.

- Phát triển xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và tìm kiếm thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của các doanh nghiệp của tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tranh thủ nguồn lực của Trung ương; phân bổ nguồn lực địa phương hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại của tỉnh có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như nông sản tiêu biểu, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP của tỉnh.

II. NỘI DUNG:

1. Công tác thông tin truyền thông, quảng bá:

- Phát hành ấn phẩm xúc tiến thương mại, như: Bản tin Công Thương (4 số/năm, 600 cuốn/số); mỗi năm phát hành 1.000 tờ rơi, tờ gấp giới thiệu các sản phẩm, các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; biên tập và phát hành Cẩm nang xúc tiến thương mại với nhiều chủ đề giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu, thế mạnh của tỉnh thông qua các kênh hội nghị, hội thảo, hội chợ trong và ngoài nước, các chương trình xúc tiến thương mại của Trung ương và các địa phương trong nước và nước ngoài.

- Thu thập và cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến tình hình thương mại trong và ngoài nước, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa của địa phương, đồng thời tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực xúc tiến thương mại bằng các hình thức đa dạng, phong phú, như: Đăng trên Trang thông tin tổng hợp Sở Công Thương Phú Thọ; Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn; Bản tin Công thương; Báo Phú Thọ; Xây dựng từ 5-10 phóng sự phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Phú Thọ và các kênh thông tin, truyền thông khác.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông sản tiêu biểu tham gia thành viên, mở gian hàng giao dịch mua bán trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Phú Thọ giaothuong.net.vn và các sàn thương mại điện tử khác, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện các phương thức quảng bá và bán hàng online.

2. Tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm

- Hàng năm tổ chức từ 5-10 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sản phẩm nông, lâm sản chế biến tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ tại các hội chợ triển lãm trọng điểm, các Hội chợ triển lãm chuyên ngành trong nước và quốc tế được tổ chức tại các tỉnh, thành phố.

- Mỗi năm tổ chức từ 8-10 hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh, trong đó duy trì việc tổ chức Hội chợ Hùng Vương trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội chợ, triển lãm thường niên tại các huyện, thành phố và thị xã.

- Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại thị trường trong nước nhằm tuyên truyền, hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Mỗi năm tổ chức từ 2-3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi và khu công nghiệp; Hỗ trợ xây dựng từ 2-3 điểm bán hàng Việt tại nông thôn, miền núi; Tổ chức từ 3 -5 tuần lễ hàng nông sản, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tại các thành phố, khu đô thị trong nước; Tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm mới; Tổ chức bình chọn sản phẩm được yêu thích nhất; Duy trì việc tổ chức tháng khuyến mãi hàng năm;

- Duy trì hoạt động có hiệu quả Trung tâm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

3. Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại ra nước ngoài, gặp gỡ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.

- Tổ chức 2-3 đoàn xúc tiến thương mại ra nước ngoài và tổ chức 1-2 đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào tỉnh giao dịch, mua hàng nhằm khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh:

+ Tổ chức xúc tiến tiêu thụ mặt hàng chè chế biến sang thị trường các nước: Nga, Afghanistan đối với chè xanh; Thị trường các nước: Nga, Trung Quốc, Indonesia, Pakistan, Iraq, Thái Lan…và các nước Trung Đông đối với chè đen và Thị trường Nhật bản và các nước EU cho các sản phẩm chế biến chè cao cấp, như: Chè nhúng túi lọc, chè ướp hương, nước trà các loại…

[...]