Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2022 về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026

Số hiệu 36/KH-UBND
Ngày ban hành 27/01/2022
Ngày có hiệu lực 27/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/KH-UBND

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2022 - 2026

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thực hiện Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20 tháng 6 năm 2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ Thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026; Trên cơ sở đánh giá kết quả Kế hoạch 195/KH-UBND ngày 20/10/2016 của UBND Thành phố về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ giai đoạn 2017 - 2021. UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2026 cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp phụ nữ nhằm góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ, xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật trên địa bàn Thủ đô và thực hiện các mục tiêu, chi tiêu về văn hóa xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII đã đề ra.

- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho phụ nữ là đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ; Tham gia xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới.

2. Yêu cầu

- Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tập trung vào các các đợt cao điểm, các địa bàn phức tạp và các nhóm phụ nữ đặc thù; có sự kết hợp, lồng ghép với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ; phát huy tinh thần nêu gương, ý thức tự học tập, tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ.

II. ĐỐI TƯỢNG

Phụ nữ trên địa bàn Thủ đô; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nông thôn, xa trung tâm Thành phố, lao động nhập cư, tôn giáo, dân tộc thiểu số và các nhóm phụ nữ yếu thế như phụ nữ khuyết tật, đơn thân, phụ nữ là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao bị mua bán người, bị bạo lực gia đình...).

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Đánh giá, khảo sát công tác tuyên truyền pháp luật cho phụ nữ

- Tổ chức đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả thực chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thành phố.

- Khảo sát nhu cầu của các nhóm phụ nữ (nữ nông dân, nữ dân tộc, nữ tôn giáo, nữ lao động tự do, nữ công nhân, nữ kinh doanh, nữ nhập cư, nữ thanh niên...) về nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật do các cấp Hội quản lý về các kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật mới được ban hành.

- Tổ chức tập huấn trang bị kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ chấp hành pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở.

- Biên soạn tài liệu và cung cấp cho cán bộ Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật do các cấp Hội quản lý, cán bộ nòng cốt làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ tại cơ sở.

3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại cộng đồng

- Tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các văn bản pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thành phố, công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính quyền điện tử của Thành phố, dịch vụ công trực tuyến, thực hiện chính quyền đô thị, 02 bộ Quy tắc ứng xử, công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em...

- Tổ chức các đợt cao điểm truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhân dịp: “Tháng hành động vì trẻ em”, Ngày “Toàn dân phòng chống ma túy 26/6”, Ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” 25/11, Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11...

- Tổ chức các cuộc thi tuyên truyền, tìm hiểu pháp luật bằng nhiều hình thức: Thi viết, thi trực tuyến trên trang Fanpage “Hội LHPN thành phố Hà Nội”, thi sân khấu hóa, xây dựng các clip tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật... thu hút sự tham gia của phụ nữ và nhân dân.

- Thực hiện Chương trình phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, xây dựng, đề xuất chính sách, giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em giữa Hội LHPN Hà Nội với các ngành: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Lao động - thương binh và xã hội, Hội Luật gia, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Công an Thành phố với Hội LHPN Hà Nội.

- Tổ chức các hội nghị giao lưu, tọa đàm, giải đáp pháp luật cho phụ nữ tại cơ sở theo nhóm đối tượng và nội dung phù hợp.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các bài viết giải đáp pháp luật, phản ánh thực tiễn thi hành pháp luật, hướng dẫn dư luận xã hội ủng hộ, biểu dương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật, lên án, phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội, tạo niềm tin vào pháp luật và định hướng hành vi, cách thức ứng xử đúng quy định pháp luật của phụ nữ và người dân. Giới thiệu các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Duy trì trang “Phụ nữ và pháp luật” trên Báo phụ nữ Thủ đô.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ