Kế hoạch 3440/KH-BHXH năm 2014 thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 3440/KH-BHXH
Ngày ban hành 18/09/2014
Ngày có hiệu lực 18/09/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Văn hóa - Xã hội

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3440/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC

Thực hiện Hướng dẫn số 820/HD-A83-P1 ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Cục An ninh Chính trị nội bộ thuộc Tổng cục An ninh II, Bộ Công an về việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2014, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Mục tiêu, yêu cầu:

1. Tập trung củng cố, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ cơ quan, phấn đấu không để đơn vị có phong trào yếu.

2. Nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc nhằm huy động sức mạnh của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn cơ quan tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

3. Nâng cao tinh thần cảnh giác của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan trước âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc chấp hành pháp luật và trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự.

4. Chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, liên tục, có hiệu quả cao các cuộc vận động khác ở cơ quan, đơn vị.

II. Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu:

1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, vận động cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần cảnh giác và tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

a) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức phổ biến, tuyên truyền và quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan, đơn vị chức năng về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới như: Kết luận số 86-KL/TW ngày 5/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”; Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 09/CP/1998 của Chính phủ về Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm... tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là mục tiêu, yêu cầu, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, có liên hệ thực tiễn ở cơ quan, đơn vị; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH trong việc tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ quan, đơn vị.

b) Nghiêm chỉnh chấp hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và Chỉ thị số 05/CT ngày 21/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới”.

c) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố cần xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, tập trung phổ biến để cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nội dung tuyên truyền chủ yếu trong các vấn đề sau:

- Phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự;

- Âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch;

- Tình hình Biển Đông;

- Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội;

- Tình hình và hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông, vệ sinh môi trường;

- Những sơ hở mất cảnh giác của cán bộ, công chức, viên chức bị các loại đối tượng lợi dụng hoạt động; đồng thời phổ biến, hướng dẫn cách phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh với các đối tượng, xây dựng ý thức sống và làm việc theo pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức.

2. Kiểm tra, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém và có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

a) Hàng năm, vào ngày 19/8, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố tổ chức tốt hoạt động Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (theo Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ). Nội dung chủ yếu là tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác và tinh thần trách nhiệm của công dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm những công việc cụ thể để giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú, nơi làm việc.

b) Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, đánh giá đúng thực chất công tác phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở từng đơn vị; làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và có các chủ trương, giải pháp để tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm phát động mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

c) Tiếp tục thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia chấp hành nghiêm luật giao thông và giữ gìn trật tự vệ sinh, môi trường, xây dựng nếp sống văn minh.

3. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc:

a) Chủ động phối hợp với các đơn vị công an, quân đội, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, phối hợp xử lý các vụ việc phức tạp xảy ra.

b) Thường xuyên phối hợp với công an sở tại hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nâng cao cảnh giác, chống hoạt động diễn biến hòa bình của thế lực thù địch và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị, phòng cháy chữa cháy, xây dựng lực lượng bảo vệ có kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu bảo vệ nội bộ, giữ gìn trật tự an toàn cơ quan, đơn vị.

4. Công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản trong cơ quan.

a) Mở rộng và duy trì các hình thức tự quản về an ninh trật tự với sự tham gia của các đoàn thể quần chúng như Công đoàn, Đoàn Thanh niên để phong trào bảo vệ an ninh phát triển rộng rãi, đi vào chiều sâu và ngày càng chất lượng, hiệu quả.

[...]