Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 34/KH-UBND về phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020

Số hiệu 34/KH-UBND
Ngày ban hành 06/03/2020
Ngày có hiệu lực 06/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Lê Văn Sử
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/KH-UBND

Cà Mau, ngày 06 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM THÂM CANH, SIÊU THÂM CANH VÀ XÂY DỰNG LIÊN KẾT CHUỖI TIÊU THỤ SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU NĂM 2020

Thời gian qua, tình hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau phát triển khá nhanh và đạt hiệu quả khá cao, đến nay diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu canh đạt 8.592,97 ha, với 14.186 hộ nuôi. Trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt 2.500 ha với 2.476 hộ (tăng 23% so với cùng kỳ), năng suất bình quân 20-30 tấn/ha/vụ, tỷ lệ nuôi thành công từ 60-75%, đóng góp khoảng 30 - 40% trong tổng sản lượng tôm nuôi của tỉnh năm 2019, cho thấy tiềm năng, vai trò, đóng góp của nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh rất lớn. Tuy nhiên, quá trình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đã qua còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức như: doanh nghiệp chưa có diện tích đất đủ lớn để đầu tư; nông dân thiếu vốn tổ chức sản xuất; thị trường và giá cả sản phẩm đầu ra còn bấp bênh, chưa thật sự ổn định; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nuôi tôm trong xây dựng liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ,... dẫn đến tốc độ phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh qua các năm còn chậm, không đồng đều, chưa đạt được Kế hoạch đề ra. Để khắc phục những tồn tại nêu trên, phát huy thế mạnh, đẩy nhanh tốc độ phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, tỉnh Cà Mau xây dựng Kế hoạch phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh năm 2020 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Rà soát, củng cố nâng cao hiệu quả diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hiện có trong toàn tỉnh để có biện pháp nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Rà soát nhu cầu phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để có biện pháp hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thống nhất hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng Kế hoạch, đề ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát động, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung quy mô lớn gắn với liên kết chuỗi sản phẩm; nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững. Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đạt 9.000 ha (trong đó, nuôi tôm thâm canh 6.000 ha, năng suất trung bình 6 tấn/ha/vụ, nuôi tôm siêu thâm canh 3.000 ha, năng suất bình quân 25 tấn/ha/vụ; sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 110.000 tấn, góp phần đạt được chỉ tiêu Kế hoạch về sản lượng tôm đề ra trong năm 2020 là 200.000 tấn; đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu chung toàn tỉnh đạt 1,2 tỷ USD).

- Phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ gắn với bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Huy động các nguồn lực từ nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, ngân hàng vào phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, gắn với xây dựng liên kết chuỗi giá trị, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Huy động sự tham gia quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp; các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm và các cá nhân tham gia.

- Củng cố, nâng cao năng suất và hiệu quả của diện tích hiện có và hỗ trợ phát triển diện tích nuôi mới theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

- Việc phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh phải gắn với cập nhật, ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để đạt hiệu quả cao.

- Phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng quy mô lớn, tập trung phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi tôm của tỉnh để phát triển bền vững, hiệu quả; tạo được sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Các tổ chức tín dụng cần quan tâm tích cực hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho người nuôi tôm tiếp cận nguồn vốn để tái sản xuất, đầu tư phát triển nuôi tôm hiệu quả.

II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên nhiều kênh khác nhau; trong đó, đặc biệt quan tâm việc hợp dân (đối với những hộ nuôi thâm canh, siêu thâm canh và những hộ có điều kiện nuôi) theo từng địa bàn để tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép vào các chương trình, Kế hoạch hoạt động khuyến nông,... để đăng ký nuôi thâm canh, siêu thâm trong năm 2020.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, Kế hoạch, chính sách của nhà nước và ngành chức năng; kịp thời thông tin, tuyên truyền những cá nhân tiêu biểu có cách làm hay, những mô hình sản xuất có hiệu quả, để tạo sức lan tỏa, nhân rộng trong nhân dân.

2. Rà soát, đăng ký diện tích nuôi

- Rà soát thống kê, phân loại diện tích nuôi thâm canh, siêu thâm canh hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh; xác định rõ những thuận lợi khó khăn trong phát triển sản xuất để có biện pháp tháo gỡ.

- Giới thiệu, tuyên truyền, phát động các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ mới có hiệu quả bằng nhiều hình thức để vận động; khuyến khích doanh nghiệp và người dân đăng ký (có danh sách đăng ký cụ thể) qua đó giúp các cơ quan chuyên môn có cơ sở để xây dựng Kế hoạch và đề xuất các biện pháp hỗ trợ kịp thời. Ưu tiên đăng ký đầu tư vào các vùng quy hoạch nuôi tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, có tổ chức sản xuất phù hợp gắn với bảo vệ môi trường.

- Trên cơ sở kết quả rà soát, tiến hành cấp Giấy xác nhận đối tượng nuôi thủy sản chủ lực đối với con tôm (Giấy xác nhận mã số nhận diện ao nuôi) để hỗ trợ trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm nuôi phục vụ xuất khẩu.

3. Ứng dụng khoa học công nghệ

3.1. Quy trình công nghệ nuôi

- Liên tục cập nhật, ứng dụng các quy trình nuôi tiên tiến vào sản xuất để nâng cao hiệu quả. Chú trọng đến các quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

- Phối hợp với các tổ chức tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ kỹ thuật, cập nhật quy trình nuôi tiên tiến cho đội ngũ làm công tác khuyến nông và cán bộ làm công tác quản lý; tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dân; hỗ trợ xây dựng các mô hình nuôi theo công nghệ mới để các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận ứng dụng vào sản xuất.

[...]