Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 3308/KH-UBND năm 2019 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 3308/KH-UBND
Ngày ban hành 12/08/2019
Ngày có hiệu lực 12/08/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3308/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;

Căn cứ Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch triển khai chương trình giáo dục phổ thông với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

1. Mục đích

Đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Xác định nhiệm vụ, giải pháp huy động các nguồn lực nhằm đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp học; đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên; nội dung, tài liệu giáo dục địa phương... để triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn của thành phố theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Yêu cầu

- Chương trình giáo dục phổ thông đặt ra ba yêu cầu cơ bản cần đạt về phẩm chất và năng lực, đó là:

+ Hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu như yêu đất nước, yêu con người; chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

+ Hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi (năng lực chung cho tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển năng lực tự chủ, tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo...) và năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.

+ Là căn cứ để xây dựng chương trình môn học, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá kết quả giáo dục học sinh, ... phải dựa trên yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.

- Bảo đảm tất cả giáo viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn thành phố được triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, nội dung hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 tuần tự đối với từng cấp học, từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1 cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp 10 cấp trung học phổ thông.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP:

1. Công tác tuyên truyền

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Tổ chức hội nghị triển khai quán triệt sâu rộng các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho cán bộ quản lý, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Đẩy mạnh truyền thông với cha mẹ học sinh và xã hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thông qua các phương tiện thông tin.

2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu thực hiện

Tổ chức rà soát hiện trạng, nhu cầu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên từng cấp học, lớp học, môn học theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, từ đó xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có, tuyển dụng và thực hiện tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của địa phương, đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên hàng năm (từ năm 2019 đến năm 2023), gồm:

2.1. Các lớp bồi dưỡng hướng dẫn dạy học môn học (theo tài liệu hướng dẫn dạy học chương trình giáo dục phổ thông):

- Giáo viên tiểu học: 6 đợt (từ năm 2018 đến năm 2023);

- Giáo viên trung học cơ sở: 5 đợt (từ năm 2019 đến năm 2023);

- Giáo viên trung học phổ thông: 4 đợt (từ năm 2020 đến năm 2023).

[...]