Kế hoạch 325/KH-UBND năm 2018 triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2022

Số hiệu 325/KH-UBND
Ngày ban hành 19/09/2018
Ngày có hiệu lực 19/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Tiến Nhường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 325/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 19 tháng 9 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI PHÂN LOẠI, XỬ LÝ RÁC THẢI HỮU CƠ TẠI HỘ GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, GIAI ĐOẠN 2019-2022

Thực hiện nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 595/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020”;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 571/TTr-STNMT ngày 14/9/2018, về việc đề nghị ban hành kế hoạch triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, triển khai các bước tiếp theo.

- Giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp; giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, tạo cảnh quan môi trường - sanh - sạch - đẹp.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường nói chung, giữ gìn vệ sinh môi trường sống nói riêng; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hạn chế phát thải chất thải rắn trong đời sống sinh hoạt của nhân dân.

2. Yêu cầu

- Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc tổ chức thực hiện.

- Bằng nhiều biện pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, trong việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc trong quá trình thực hiện.

- Sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh với UBND các huyện, thị xã và thành phố chặt chẽ hơn, từ công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và tổ chức người dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải tại gia đình; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

II. NỘI DUNG, KẾ HOẠCH

1. Nội dung, nhiệm vụ

- Xây dựng tài liệu tập huấn về bảo vệ môi trường, hướng dẫn về quy trình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. Thường xuyên tuyên truyền tới người dân về công tác vệ sinh môi trường, lợi ích của việc phân loại, xử lý rác thải;

- Vận động, tổ chức cho nhân dân tham gia triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; đưa việc phân loại, xử lý rác tại hộ gia đình vào nội dung đánh giá, công nhận thôn, làng, khu phố và gia đình văn hóa; làm cơ sở cho công tác thi đua - khen thưởng và xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM);

- Hướng dẫn các hộ gia đình phân loại, lựa chọn hình thức xử lý rác hữu cơ phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt hiệu quả. Vận động cán bộ, đảng viên tự đầu tư để thực hiện mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình; vận động các hộ có vườn tự đào hố, các hộ có thể tận dụng các vật dụng sẵn có trong gia đình (các vỏ thùng, vỏ hộp có thể sử dụng chứa rác hữu cơ; các vật dụng bằng tôn tấm lợp fibro xi măng, tấm lợp bằng nilon, gỗ, hoặc bằng các vật liệu khác có thể sử dụng làm nắp đậy hố) để xử lý rác thành phân bón;

- Phân công rõ trách nhiệm của các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, đạt hiệu quả cao. Tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả để có thể nhân rộng.

2. Kế hoạch thực hiện

- Quý III năm 2018: Lựa chọn 02 xã để làm mô hình thí điểm.

- Quý IV năm 2018: Triển khai mô hình thí điểm tại 02 xã.

- Quý I năm 2019: Đánh giá hiệu quả mô hình.

- Quý II năm 2019: Đề xuất nhân rộng mô hình.

3. Kinh phí thực hiện

3.1. Triển khai mô hình thí điểm: Kinh phí thực hiện là 6.000.000.000đ.

[...]