Kế hoạch 3189/KH-UBND năm 2016 phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Bến Tre ban hành

Số hiệu 3189/KH-UBND
Ngày ban hành 23/06/2016
Ngày có hiệu lực 23/06/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Hữu Lập
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3189/KH-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP MŨI NHỌN, ƯU TIÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Công văn số 213-CV/TU ngày 09 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện 113 đầu việc theo Nghị quyết Đại hội X của tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc phê duyệt Đề án Định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011-2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển;

UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên trên địa bàn tỉnh với những nội dung cụ thể sau:

A. Đánh giá kết quả phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015

Đề án Định hướng phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1895/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2012. Đề án đã xác định 02 ngành công nghiệp mũi nhọn: Công nghiệp chế biến thủy sản và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa; 07 ngành công nghiệp ưu tiên: Công nghiệp hỗ trợ ngành may; sản xuất thức ăn chăn nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản); công nghiệp hóa chất (phân bón sạch, hóa dược); công nghiệp cơ khí; thiết bị điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm; công nghiệp chế biến súc sản; công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới (năng lượng gió, năng lượng mặt trời,...) cần tập trung kêu gọi đầu tư phát triển.

Giai đoạn 2012-2015, triển khai thực hiện đã đạt được một số kết quả như sau:

1. Đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn: Đã thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1.621,61 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN): Ngành công nghiệp chế biến thủy sản tăng trưởng bình quân 12,90%/năm, chiếm tỷ trọng 29% năm 2015; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa tăng trưởng bình quân 2,11%/năm, chiếm tỷ trọng 13,59% năm 2015. Sự phát triển này đã khẳng định ưu thế của tỉnh là chế biến dừa và chế biến thủy sản.

2. Đối với các ngành công nghiệp ưu tiên: Đã thu hút được 13 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 9.847,5 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GTSXCN: Ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành dệt may, da-giày tăng trưởng bình quân 23,91%/năm, chiếm tỷ trọng 15,58% năm 2015; ngành công nghiệp cơ khí-điện, điện tử tăng trưởng bình quân 36,03%/năm, chiếm tỷ trọng 20,79% năm 2015; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,64%/năm, chiếm tỷ trọng 45,22% năm 2015; ngành hóa chất tăng trưởng bình quân 8,46%/năm, chiếm tỷ trọng 4,69% năm 2015; công nghiệp sản xuất các sản phẩm mới: Triển khai xây dựng và đưa vào quy hoạch các dự án điện gió: Nhà máy điện gió Thanh Phong (công suất nhà máy là 29.7 MW), Nhà máy điện gió Hàn Quốc-Bến Tre (công suất dự kiến 60 MW), Nhà máy điện gió Bình Đại-Bến Tre (công suất nhà máy là 30 MW), Nhà máy điện gió Bình Đại (công suất nhà máy là 30 MW) nhằm khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng sạch, góp phần cung ứng nguồn năng lượng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của tỉnh Bến Tre trong tương lai.

3. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

- Một số ngành công nghệ mang tính kỹ thuật cao: Thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm chưa thu hút được các nhà đầu tư;

- Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề, chuyên môn nghiệp vụ trong tỉnh chưa gắn kết được với nhu cầu của doanh nghiệp;

- Điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn chỉnh và nguồn nguyên liệu cung ứng cho các ngành ưu tiên, mũi nhọn chưa ổn định, thị trường biến động bất thường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đầu tư cũng như trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường;

- Việc giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai thường bị kéo dài do các hồ sơ, thủ tục về ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,… chưa được tập trung đầu mối;

- Số lượng doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chưa nhiều. Doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

* Nguyên nhân:

- Do phải chịu sự tác động diễn biến của tình hình thế giới, khu vực; thị trường, giá cả các loại nông sản luôn biến động… cùng với những khó khăn kết cấu hạ tầng yếu, nguồn lực đầu tư hạn chế, diễn biến bất thường của thời tiết… đã tác động mạnh đến sự phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn;

- Hầu hết doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ vì vậy việc đầu tư công nghệ và trang thiết bị hiện đại gặp khó khăn. Việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn về điều kiện tài sản đối ứng,…;

- Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa thật đồng bộ, vẫn còn một số trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp; cơ chế chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư chậm phát huy tác dụng.

B. Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên giai đoạn 2016-2020

I. Mục đích, yêu cầu:

- Nhằm hỗ trợ công nghiệp tỉnh hình thành và phát triển nhanh những sản phẩm có doanh số lớn, khả năng cạnh tranh và hiệu quả cao, xuất khẩu ngày càng tăng, góp phần tạo động lực cho kinh tế tỉnh phát triển trong thời kỳ hội nhập;

- Tuyên truyền, phổ biến về định hướng, chủ trương phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên cần tập trung đầu tư phát triển;

- Phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phải phù hợp với quy hoạch phát triển chung ngành công nghiệp của tỉnh, trên cơ sở khai thác tốt lợi thế của tỉnh cùng với sự tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên đạt tốc độ phát triển nhanh và bền vững;

- Phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phải tạo thành liên kết chuỗi và liên kết vùng, tạo ra các khu vực sản xuất tập trung với quy mô lớn, tiến tới hình thành các khu kinh tế đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo môi trường, giữa hiệu quả kinh tế xã hội với an ninh quốc phòng.

II. Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển trong thời gian tới

1. Mục tiêu phát triển

[...]