Kế hoạch 3143/KH-UBND năm 2019 về khuyến công năm 2019-2020 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 3143/KH-UBND
Ngày ban hành 11/07/2019
Ngày có hiệu lực 11/07/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3143/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN CÔNG TỈNH PHÚ THỌ NĂM 2019 - 2020

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 46/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công Thương về Quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư số 20/TT-BCT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2012/TT-BCT; Trong những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến công, đã huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng cao và ổn định, xuất khẩu tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần công nghiệp khai khoáng; cung cầu hàng hóa trong nước được đảm bảo, công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt kết quả quan trọng, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của tỉnh trong và ngoài khu vực.

Để phát huy những kết quả đạt được và định hướng hoạt động khuyến công trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Khuyến công tỉnh Phú Thọ năm 2019-2020, với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU:

- Khuyến khích, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động; Xác định trọng tâm thực hiện các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, lâm sản như chế biến chè, chế biến gỗ… Đặc biệt chú trọng hỗ trợ đầu tư các dự án chế biến sâu nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên và đặc biệt nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nông thôn, duy trì, phát triển có hiệu quả các mô hình khuyến công đã được hỗ trợ; Ưu tiên hỗ trợ đầu tư tại các địa bàn đặc biệt khó khăn và địa bàn khó khăn.

- Cung cấp thông tin trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn tăng trưởng cao hơn tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp tỉnh Phú Thọ; công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 15%/năm;

-Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp cho 80 đến 100 học viên là chủ các cơ sở công nghiệp nông thôn. Xây dựng từ 02 đến 04 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới hoặc áp dụng công nghệ mới và hỗ trợ từ 15 đến 20 cơ sở CNNT được đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm. Hỗ trợ thành lập mới 20 đến 25 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho 5 đến 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn.

II. NỘI DUNG:

1. Nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, hội nhập kinh tế quốc tế; bồi dưỡng kiến thức nâng cao nhận thức về lợi ích của sản xuất sạch hơn cho 50 học viên là chủ các cơ sở công nghiệp nông thôn; Hỗ trợ thành lập mới từ 20 đến 25 doanh nghiệp công nghiệp nhằm mục đích khuyến khích, tư vấn hỗ trợ các cá nhân, tổ chức đầu tư vào sản xuất công nghiệp.

2. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật

Xây dựng từ 02 đến 4 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực chế biến chè và chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ công nghiệp nông thôn; Tổ chức giới thiệu tuyên truyền, phổ biến tính ưu việt, tính tiên tiến của công nghệ mới, sản phẩm mới của các mô hình được trình diễn để các doanh nhân, doanh nghiệp và người quan tâm được tham quan học tập và nghiên cứu.

Hỗ trợ 15 đến 20 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất trong các ngành chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; sản xuất sản phẩm cơ khí và sản xuất tiểu thủ công nghiệp khác nhằm góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại khu vực sản xuất, các làng nghề và các cụm công nghiệp.

3. Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn

Hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm cho 7 đến 10 sản phẩm đặc biệt ưu tiên hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho các làng nghề trong lĩnh vực chế biến chè và chế biến gỗ.

Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; Tiếp tục tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia vào năm 2019 và cấp khu vực vào năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức trong đó có 02 sản phẩm tham gia cấp quóc gia và từ 6 đến 8 sản phẩm được tham gia cấp khu vực. Tổ chức khu trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Phú Thọ tại Hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc hàng năm do Cục Công Thương địa phương tổ chức nhằm tạo điều kiện giới thiệu quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Phú Thọ, trao đổi thông tin thị trường và kết nối cung cầu. Kết hợp với chương trình mỗi địa phương một sản phẩm (OCCOP) để phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

4. Thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền về khuyến công:

Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, trên chuyên mục Khuyến công (do Cục Công Thương thực hiện) phát sóng trên VTV1 và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác về các chính sách của Nhà nước về khuyến công về Tiết kiệm năng lượng và Sản xuất sạch hơn để các tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân biết, thực hiện góp phần thực hiện hiệu quả chính sách của Nhà nước.

5. Nâng cao năng lực quản lý và thực hiện hoạt động khuyến công

Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao năng lực quản lý và khả năng hoạt động khuyến công cho Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công thương. Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng và thực hiện các đề án khuyến công cho 80 đến 100 cán bộ khuyến công tại cấp xã.

Tổ chức các đoàn công tác thẩm tra, khảo sát, nghiệm thu các đề án khuyến công tại các địa bàn có các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn thụ hưởng kinh phí khuyến công; tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai đề án và nghiệm thu kết quả thực hiện đề án tại các đơn vị.

6. Phát triển hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp

Hỗ trợ công tác tư vấn đầu tư, tư vấn về tiết kiệm năng lượng, về sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

7. Thực hiện lồng ghép các chương trình khác hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất

Đăng ký tham gia thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 do Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương thực hiện nhằm thu hút nguồn tài trợ hỗ trợ nhằm phát triển các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ, sản phẩm cơ khí chế tạo để tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh: Vận động đầu tư và hỗ trợ 01 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này.

Thực hiện kết hợp các chương trình như: Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020; chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình chống biến đổi khí hậu; chương trình khoa học công nghệ và các chương trình khác để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các giải pháp nhằm tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, cải thiện môi trường làm việc của người lao động.

[...]