Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 3132/KH-UBND năm 2023 triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 3132/KH-UBND
Ngày ban hành 15/08/2023
Ngày có hiệu lực 15/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hồ Đại Dũng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3132/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 15 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xét đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 25/TTr-STTTT ngày 28/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí tỉnh Phú Thọ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí tại Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; gắn với các chương trình chuyển đổi số của tỉnh; đảm bảo xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình triển khai và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện chuyển đổi số báo chí của tỉnh.

- Chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2025

- 100% cơ quan báo chí của tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

- 50% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 50% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

- Các cơ quan báo chí của tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20% (thông qua đặt hàng, dịch vụ quảng cáo và các dịch vụ kinh tế báo chí khác).

- 50% cơ quan báo chí điện tử của tỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

- 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí của tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.

2. Mục tiêu đến năm 2030

- 100% cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục duy trì hiệu quả đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

- 75% cơ quan báo chí của tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 75% cơ quan báo chí của tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

- Các cơ quan báo chí của tỉnh tiếp tục tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% cơ quan báo chí của tỉnh duy trì tăng doanh thu tối thiểu 20% (thông qua đặt hàng, dịch vụ quảng cáo và các dịch vụ kinh tế báo chí khác).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Các nhiệm vụ trọng tâm

1.1. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin trong chuyển đổi số báo chí. Sử dụng kho lưu trữ dữ liệu chung để kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu số của cơ quan báo chí (video, hình ảnh và âm thanh…); đảm bảo hạ tầng kết nối Internet băng rộng cáp quang.

Ứng dụng công nghệ số, các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong việc sản xuất nội dung, biên tập, phân phối sản phẩm báo chí và các quy trình nghiệp vụ theo hướng phát triển toà soạn hội tụ, hỗ trợ không gian làm việc ảo… để tối ưu hóa hoạt động và tăng trải nghiệm cho độc giả, khán giả, thính giả; nhằm giảm chi phí hoạt động, tăng hiệu quả công tác quản lý trong các cơ quan báo chí.

Ứng dụng công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; hệ thống lưu chiểu báo chí; công cụ phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí; dịch vụ an ninh bảo mật, phòng chống mã độc phục vụ chuyển đổi số báo chí.

1.2. Thiết lập cơ chế và tổ chức hoạt động chuyên môn của cơ quan báo chí phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số. Triển khai hoạt động theo mô hình toà soạn hội tụ, đa phương tiện; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí dữ liệu…; không phân biệt hình thức làm việc trực tiếp hay làm việc từ xa.

1.3. Quản lý trải nghiệm, tương tác của độc giả, khán giả, thính giả với báo chí. Ứng dụng công nghệ để đo lường, phân tích, nâng cao mức độ trải nghiệm tác phẩm báo chí của khán giả, thính giả, độc giả; xác định mức độ tương tác; số lượng khán giả, độc giả, thính giả trung thành, số mới phát sinh...

1.4. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý hoạt động của cơ quan báo chí. Ứng dụng các hệ thống, giải pháp, phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành; quy trình sản xuất, phân phối nội dung báo chí; thực hiện chia sẻ dữ liệu báo chí; quản lý nhân sự, hoạt động kế toán, họp trực tuyến, quản lý đăng ký kế hoạch tin/bài hàng ngày; xây dựng công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí và các ứng dụng phục vụ quản trị khác.

1.5. Đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí theo Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí theo Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ngày 02/6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

[...]