Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 298/KH-UBND năm 2024 thực hiện Quyết định 1199/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Lào Cai ban hành

Số hiệu 298/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2024
Ngày có hiệu lực 19/06/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 298/KH-UBND

Lào Cai, ngày 19 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1199/QĐ-TTG NGÀY 14/10/2023 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CỬA KHẨU TRÊN TUYẾN BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - TRUNG QUỐC THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Căn cứ Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông báo số 3609- TB/Tu ngày 07/5/2024 của Tỉnh ủy Lào Cai và Công văn số 2156/BNG-UBBG ngày 25/4/2024 của Bộ Ngoại giao về triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu biên giới trên đất liền thời kỳ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050; Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung, giải pháp chủ yếu để mở các cặp cửa khẩu quốc tế Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Vân Nam), Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam) và 06 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới của tỉnh trong thời kỳ 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1199/QĐ-TTg ngày 14/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 1199/QĐ-TTg).

- Hiện đại hoá và tiêu chuẩn hoá tổ chức hoạt động cửa khẩu, đầu tư phương tiện, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động tại cửa khẩu.

2. Yêu cầu

Đảm bảo phân công, giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố biên giới tổ chức thực hiện nhằm cụ thể hoá quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1199/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Phù hợp với pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, gắn liền với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ ổn định, bền vững giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua cửa khẩu; cụ thể hóa và bảo đảm phù hợp với các quy hoạch của Trung ương, trong đó gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan.

- Tham khảo kế hoạch và lộ trình phát triển cửa khẩu của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; bảo đảm hình thành các cặp cửa khẩu đối xứng qua biên giới, tạo sự đồng bộ, tương thích (song phương); qua đó, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cửa khẩu biên giới.

- Quy hoạch cửa khẩu được xây dựng theo hướng đa dạng hoá nhiều loại hình, nhiều cấp độ; bảo đảm phù hợp, tương thích với từng giai đoạn phát triển nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phân bổ cửa khẩu hợp lý, phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên, bảo vệ và giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường và hệ sinh thái ở khu vực biên giới; đồng thời, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội kết hợp bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Quy hoạch cửa khẩu gắn với quy hoạch phát triển hệ thống giao thông và các cơ sở hạ tầng có liên quan, nhất là kết nối giao thông biên giới giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Việc bố trí cửa khẩu bảo đảm tính liên ngành, liên vùng; bảo đảm tính liên kết về ngành nghề, lĩnh vực và không gian địa lý.

- Hiện đại hoá và tiêu chuẩn hoá tổ chức quản lý hoạt động cửa khẩu, đầu tư phương tiện, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động tại cửa khẩu.

- Định hướng phát triển hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh gắn với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời gắn với việc hình thành hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn dọc biên giới.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.

- Tạo điều kiện cho giao lưu, qua lại biên giới và quản lý phù hợp với luật pháp của mỗi nước, pháp luật và thực tiễn quốc tế; phục vụ phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân ở khu vực biên giới giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu cụ thể; tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương và Trung ương.

- Quy hoạch hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh góp thực hiện mục tiêu xây dựng Lào Cai thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc, là cửa ngõ, cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

b) Mục tiêu cụ thể

* Giai đoạn 2024 - 2025:

- Tiến hành thủ tục để mở lối thông quan Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Vân Nam) thuộc cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc), phục vụ cho người, phương tiện xuất nhập cảnh và hàng hóa, vật phẩm xuất nhập khẩu phù hợp với tiến độ xây dựng, đưa vào sử dụng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc).

- Thúc đẩy thủ tục mở chính thức cửa khẩu Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam) và 06 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa: Bản Quẩn (Lào Cai) - Sơn Yêu (Vân Nam), Na Lốc (Lào Cai) - Mã Hoàng Pao (Vân Nam), Lồ Cô Chin (Lào Cai) - Lao Kha (Vân Nam), Hóa Chư Phùng (Lào Cai) - Seo Pả Chư (Vân Nam), Lũng Pô (Lào Cai) - Lũng Pô Chải (Vân Nam), Y Tý (Lào Cai) - Ma Ngán Tý (Vân Nam). (Sau đây gọi tắt là các lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa).

- Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy cho các cửa khẩu, lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa theo quy định và đáp ứng yêu cầu thực tế.

- Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối cửa khẩu với nội địa, kết nối với cửa khẩu phía Trung Quốc và trong khu vực cửa khẩu theo quy hoạch.

[...]