Kế hoạch 296/KH-UBND năm 2022 về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 296/KH-UBND
Ngày ban hành 10/05/2022
Ngày có hiệu lực 10/05/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 296/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 5 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ, THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ, THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRONG CÁC TRƯỜNG HỌC, CƠ SỞ GIÁO DỤC VÀ BỆNH VIỆN, CƠ SỞ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2022 - 2025

Thực hiện Công văn số 781/BTTTT-QLDN ngày 04/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm thúc đẩy các cơ sở giáo dục và đào tạo, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ số, triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục và cơ sở y tế nhằm thu hẹp khoảng cách số ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số và môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khoẻ của người dân; phát triển hạ tầng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt rộng khắp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới phổ cập trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan, bảo đảm triển khai kịp thời, phối hợp chặt chẽ, có sự tham gia của toàn xã hội nhằm đạt được các mục tiêu Kế hoạch đề ra.

3. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng địa phương, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu năm 2022

- Phấn đấu 50% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ứng dụng, sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số.

- Phấn đấu 50% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác.

- Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phấn đấu đạt 50%.

2. Mục tiêu đến năm 2025

- Phấn đấu 100% trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán học phí, phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh.

- 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán viện phí, phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Triển khai các quy định, cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

- Triển khai thực hiện các quy định liên quan đến thanh toán tại các văn bản Luật hiện hành (như: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Phòng, chống rửa tiền và các văn bản Luật khác có liên quan).

- Xây dựng, triển khai giải pháp để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần vào việc quản lý thuế.

- Triển khai chính sách phù hợp về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho người sử dụng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí hợp lý.

2. Hỗ trợ chuyển đổi số, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục

2.1. Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong trường học, cơ sở giáo dục:

- Đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phục vụ chuyển đổi số ngành giáo dục (nền tảng số giáo dục) do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, cung cấp để triển khai đồng bộ, thống nhất trong các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thuê, mua sử dụng các giải pháp, nền tảng số giáo dục, hạ tầng lưu trữ, đường truyền kết nối, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trực tuyến, triển khai chuyển đổi số hoạt động giáo dục và đào tạo.

- Tích cực ứng dụng các sản phẩm công nghệ số, nền tảng số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

- Triển khai áp dụng nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình trong công tác giảng dạy - học tập - thi cử cho học sinh, sinh viên, giáo viên, từ đó hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số, bảo đảm chất lượng cho việc thi cử trực tuyến.

- 100% các trường học, cơ sở giáo dục biết sử dụng công nghệ và triển khai thực hiện được công tác dạy và học trực tuyến, từng bước kết hợp giữa dạy học trực tuyến với dạy học trực tiếp ở một số môn học đảm bảo hiệu quả; phấn đấu đạt tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai hình thức học trực tuyến theo Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030" được phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị bài của học sinh trước khi đến lớp.

- Áp dụng nền tảng số quản trị nhà trường, cơ sở giáo dục dựa trên dữ liệu số và công nghệ số, trong đó học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động và các hoạt động đều được quản lý bằng hồ sơ số thống nhất; tăng cường sự kết nối, liên lạc giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh, sinh viên qua các ứng dụng, nền tảng số.

[...]