Kế hoạch 2924/KH-UBND năm 2014 thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2014-2020”

Số hiệu 2924/KH-UBND
Ngày ban hành 24/06/2014
Ngày có hiệu lực 24/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Võ Thành Hạo
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2924/KH-UBND

Bến Tre, ngày 24 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2014-2020”

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre xây dựng Kế hoạch thực hiện với các nội dung chính như sau:

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. CÁC CƠ SỞ PHÁP LÝ

Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) của Quốc hội (số 64/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006);

Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013-2020”;

Công văn số 8239/BYT-AIDS ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án bảo đảm tài chính;

Hướng dẫn số 999/HD-BYT ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2014-2020 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Quyết định số 2663/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh Bến Tre về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh Bến Tre.

II. TÌNH HÌNH VÀ ĐÁP ỨNG VỚI DỊCH HIV/AIDS

1. Tình hình dịch HIV/AIDS:

Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1993, lũy tích đến cuối năm 2013 tỉnh Bến Tre phát hiện 2.007 trường hợp. Trong đó, tổng số bệnh nhân chuyển sang AIDS là 1.203, số trường hợp đã tử vong là 756 người; hiện tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống là 1.251.

Đến ngày 31 tháng 12 năm 2013 toàn tỉnh đã phát hiện người nhiễm HIV tại 161/164 xã/phường chiếm tỷ lệ 98,2%, tất cả 9 huyện/thành phố Bến Tre đều có người nhiễm. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV tập trung nhiều tại thành phố Bến Tre (27%) chiếm hơn 1/4 tỷ lệ nhiễm HIV trong toàn tỉnh, kế đến là huyện Châu Thành (20,1%) và thấp nhất là huyện Thạnh Phú chiếm 4,3%.

Phân bố các trường hợp nhiễm HIV (1993-2013) tập trung chủ yếu là nam giới, tỷ lệ nam cao gấp 2,3 lần so với nữ (69,39%-30,64%), tuy nhiên trong khoảng thời gian 5 năm gần đây (2009-2013) dịch có xu hướng tăng lên ở nữ giới, tỷ lệ nhiễm HIV giữa nam và nữ chỉ khoảng 1,6 lần (61,35%-38,25%). Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS chủ yếu tập trung ở độ tuổi 15-49 (95,46%). Trong đó, nhóm tuổi 25-49 chiếm đa số (58,12%). Trong 5 năm gần đây nhóm tuổi 25-49 có xu hướng tăng từ 66,13% năm 2009 lên 75,55% năm 2013, trong khi đó nhóm tuổi 15-24 giảm (26,61%-15,86%).

Về đối tượng: Các trường hợp nhiễm qua các năm (1993-2013) chủ yếu tập trung ở nhóm nghiện chích ma tuý (NCMT) (36,00%), nghi AIDS (18,55%) và tình dục khác giới (9,98%). Từ năm 2003-2011, bệnh nhân nghi AIDS có xu hướng tăng (5,9% năm 2003-37,6% năm 2010), 3 năm gần đây (2011-2013) dịch có xu hướng giảm trong nhóm này (từ 34,3% năm 2011 xuống 3,76% năm 2013). Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NCMT có xu hướng biến động giảm trong 5 năm gần đây (2009: 28,8%-2013: 17,0%). Ngược lại, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) lại có xu hướng biến động tăng trong 5 năm gần đây (2009: 16,1%-2013: 20%).

Ngoài các đối tượng nguy cơ cao như NCMT, mại dâm, tỷ lệ nhiễm HIV đang có xu hướng lan sang các đối tượng nguy cơ thấp. Theo báo cáo năm 2013 cho thấy phân bố nghề nghiệp ở những người nhiễm HIV qua giám sát phát hiện có 4,51% là công nhân, 3,76% là công nhân viên chức, 1,5% lực lượng vũ trang, 0,75% là trí thức, 12,78% là nông dân, lao động tự do chiếm đến 39,10%, còn lại là các nghề khác.

Dịch HIV vẫn đang chứa đựng các yếu tố nguy cơ bùng nổ nếu không triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại một cách hiệu quả. Đường lây truyền HIV chủ yếu qua các năm (1993-2013) là đường máu (52,88%) và đường tình dục (33,01%). Phân bố người nhiễm HIV theo đường lây qua các năm có sự thay đổi, tỷ lệ người nhiễm HIV lây nhiễm qua đường máu vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng theo số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ này đang có xu hướng giảm dần và tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục có xu hướng tăng. Cụ thể, trong 5 năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường máu từ 38,98% năm 2009 xuống 21,05% năm 2013, tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục từ 44,06% năm 2009 lên 63,91% năm 2013, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện lây truyền qua đường tình dục cao gần 3 lần lây truyền qua đường máu. Vì thế, hành vi không sử dụng bao cao su (BCS) khi quan hệ tình dục, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao như người bán dâm (NBD) và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và hành vi sử dụng chung bơm kim tiêm (BKT) khi tiêm chích là những hành vi nguy cơ quan trọng dẫn đến dịch dễ dàng bùng nổ.

Uớc tính tình hình dịch ở địa phương đến năm 2020: Từ năm 1993-2013 tổng số người nhiễm HIV mới phát hiện là 2.007 người, trung bình số người nhiễm HIV nhiễm mới trong 5 năm gần đây (2009-2013) khoảng 169 người/năm. Như vậy với mức độ gia tăng hằng năm, sự mở rộng của chương trình điều trị ARV góp phần kéo dài thời gian sống của người nhiễm HIV, dự báo số lượng người nhiễm HIV dự tính đến năm 2020: Số người nhiễm HIV mới sẽ là hơn 1.183 người và số nhiễm HIV lũy tích sẽ tăng hơn 3.190 người vào năm 2020. Tuy nhiên nếu chúng ta duy trì được tất cả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như tăng cường công tác truyền thông, tăng độ bao phủ chương trình can thiệp giảm tác hại, điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và mở rộng dịch vụ điều trị các chất thay thế dạng thuốc phiện bằng Methadone thì tình hình dịch HIV chúng ta có thể khống chế được dưới mức 0,15%.

2. Tổng quan đáp ứng với dịch HIV/AIDS ở địa phương:

2.1. Kết quả triển khai thực hiện các hoạt động/các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS (theo 04 Đề án thực hiện Chiến lược).

2.1.1 Công tác dự phòng lây nhiễm HIV:

- Thông tin, giáo dục, truyền thông: Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông trong những năm qua đã có tác động rất lớn đến sự thay đổi về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao và cộng đồng dân cư. Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, số đối tượng thụ hưởng từ truyền thông ngày càng tăng. Triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư thông qua các hình thức: Loa truyền thanh xã, phường, truyền thông tại tổ nhân dân tự quản, trạm thông tin về phòng, chống HIV/AIDS tại các địa điểm tập trung đông dân cư. Truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao: Người NCMT, NBD, MSM và các đối tượng khác.

Số lượt người được truyền thông tăng dần qua các năm từ 231.216 người năm 2009 tăng 418.106 lượt người năm 2013 (tăng 1,8 lần). Những đối tượng nguy cơ cao ảnh hưởng rất lớn đến việc lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng, nhóm đối tượng này thường không tập trung mà phân tán trong cộng đồng. Do đó, các biện pháp truyền thông gián tiếp như loa, Đài Phát thanh … kém hiệu quả hơn truyền thông trực tiếp vì thế truyền thông trực tiếp được đánh giá cao và mang lại nhiều hiệu quả, tuy nhiên nguồn kinh phí phục vụ chương trình truyền thông hạn hẹp, đây là một thách thức lớn trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Bến Tre.

- Can thiệp giảm tác hại: Chương trình can thiệp giảm tác hại cho nhóm nguy cơ cao cho đến nay đã triển khai được 5 huyện/thành phố. Số người NCMT và NBD được can thiệp tăng dần qua các năm, năm 2006 số người NCMT được can thiệp chỉ có 55 người cho đến năm 2013 con số này đã tăng gấp 5 lần (281 người NCMT), tương tự NBD được can thiệp năm 2006 chỉ có 395 người đến năm 2013 đã tăng 2,5 lần (904 NBD). Chương trình can thiệp giảm tác hại chỉ tập trung ở người NCMT và NBD thông qua giáo dục viên đồng đẳng và cộng tác viên thực hiện cung cấp BCS miễn phí và trao đổi BKT sạch. Chưa triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone). Các huyện còn lại (Giồng Trôm, Bình Đại, Thạnh Phú, Chợ Lách) chưa triển khai do chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Số lượng các đối tượng nguy cơ cao được can thiệp ngày càng tăng cao, tuy nhiên mạng lưới đồng đẳng viên phục vụ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS so với các năm trước giảm từ 110 người năm 2009 xuống 40 người năm 2013 do không đủ kinh phí hoạt động. Nguồn tài trợ của dự án kết thúc là một trong những thách thức lớn của chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Bến Tre.

2.1.2. Công tác chăm sóc, hỗ trợ, điều trị toàn diện HIV/AIDS:

[...]