Kế hoạch 288/KH-GDĐT-CTTTT năm 2020 về ứng phó của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 288/KH-GDĐT-CTTTT
Ngày ban hành 01/02/2020
Ngày có hiệu lực 01/02/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hồng Sơn
Lĩnh vực Giáo dục,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 288/KH-GDĐT-CTTT

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ CỦA NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỚI DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (NCOV) GÂY RA

Căn cứ Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Căn cứ Công điện số 43/CĐ-BGDĐT ngày 28 tháng 01 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Kế hoạch số 362/KH-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh với dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV);

Tiếp theo các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra;

Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch ứng phó với dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Huy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vào việc phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (gọi tắt là dịch bệnh nCoV). Thông tin kịp thời, chính xác để nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ - giáo viên - nhân viên cùng phụ huynh, học sinh, sinh viên toàn Ngành tự dự phòng cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona, xử lí kịp thời, không để xảy ra dịch trong các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

2. Mục tiêu cthể

- Nắm bắt thường xuyên, kịp thời chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV thành phố.

- Chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và địa phương, với các đơn vị và cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông cho phụ huynh và học sinh; đẩy mạnh sự phối hợp, kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lí với các nhà trường, toàn thể cán bộ - giáo viên - nhân viên trong Ngành và phụ huynh, học sinh thành phố.

- Nắm bắt đầy đủ, kịp thời các trường hợp bệnh, có dấu hiệu bệnh và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị y tế; không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra:

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV của Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động, kịp thời nắm bắt các chỉ đạo, điều hành của Trung ương và Thành phố; tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cấp thành phố.

- Triển khai đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo, điều hành và thông tin, diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh đến các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV.

- Theo dõi sát diễn biến tình hình, đánh giá tình hình hàng ngày để kịp thời báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp thành phố.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra chỉ đạo, hướng dẫn và đánh giá việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các đơn vị trường học và cơ sở giáo dục.

b) Công tác truyền thông

- Tăng cường công tác truyền thông giúp các nhà trường và phụ huynh, học sinh có đủ và chính xác thông tin cần thiết, có kiến thức về các phòng ngừa để bảo vệ bản thân, gia đình, xây dựng môi trường học đường an toàn, không để dịch bệnh nCoV xâm nhập nhà trường.

- Phát huy hệ thống thông tin của các Cổng Thông tin điện tử, Báo Giáo dục thành phố và các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp đầy đủ tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm, công tác phòng, chống dịch,... giúp các nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh không hoang mang, không sợ hãi và cũng không mất cảnh giác, bình tĩnh đối phó với dịch bệnh.

- Đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan báo đài để tăng cường các hoạt động truyền thông; phối hợp với Báo Thanh Niên phát hành các poster, tờ rơi hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV cho tất cả học sinh các trường; phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức giao lưu, tham vấn trực tuyến cho phụ huynh, học sinh, giáo viên;...

c) Công tác phòng ngừa, phát hiện và phối hợp chữa trị:

- Chỉ đạo các nhà trường thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh; chủ động phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện các công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV; rà soát cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên đảm bảo theo các quy định hiện hành nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường.

[...]