Kế hoạch 2845/KH-UBND năm 2023 triển khai Chương trình chuyển đổi số tại huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 2845/KH-UBND
Ngày ban hành 02/08/2023
Ngày có hiệu lực 02/08/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Minh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2845/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 02 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI HUYỆN PHÚ QUÝ

Triển khai Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Kế hoạch số 1282/KH-UBND ngày 04/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 18/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV); Kế hoạch số 4181/KH-UBND ngày 07/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Công văn số 1841/BTTTT-KTS&XHS ngày 18/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị phối hợp triển khai Chương trình chuyển đổi số huyện đảo Phú Quý;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số tại huyện đảo Phú Quý với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Chuyển đổi số toàn diện tại huyện Phú Quý, xây dựng hình ảnh huyện đảo hiện đại, năng động và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân, du khách, doanh nghiệp.

- Đưa Phú Quý trở thành một điểm đến hấp dẫn cả trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng nguồn thu ngân sách của địa phương.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hình thành mô hình chuyển đổi số của một đơn vị cấp huyện để Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, bài học, cách làm hay để nhân rộng mô hình chuyển đối số cấp huyện ra các địa phương khác trên phạm vi toàn quốc.

2. Yêu cầu

- Triển khai các hoạt động chuyển đổi số tại huyện Phú Quý phải gắn liền với mục tiêu, nội dung chuyển đổi số của tỉnh, quốc gia và đảm bảo tính liên thông, kết nối, thống nhất trên phạm vi toàn quốc (sử dụng các nền tảng số quốc gia, không phải triển khai sử dụng các nền tảng số, hệ thống thông tin đơn lẻ).

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và sự tham gia tích cực, chủ động của các Bộ, ngành có liên quan để tập trung hỗ trợ huyện Phú Quý làm điển hình về chuyển đổi số để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

- Triển khai nhanh, quyết liệt trong thời gian ngắn nhất để rút kinh nghiệm triển khai trên quy mô toàn quốc.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Thúc đẩy phát triển hạ tầng số đảm bảo điều kiện triển khai các nền tảng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

- Phát triển mạng viễn thông (cáp quang băng rộng, 4G/5G), mạng cáp quang và sóng di động 4G phủ khắp toàn huyện, triển khai wifi miễn phí ở các điểm công cộng.

- Phát triển hoàn thiện hệ thống truyền thanh thông minh cho 100% đơn vị cấp xã (hiện nay chỉ mới triển khai 1/3 xã).

- Hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo và cận nghèo để đáp ứng yêu cầu 100% hộ gia đình có thiết bị sử dụng các nền tảng số (khoảng 150 hộ nghèo và cận nghèo).

2. Chuyển đổi số lĩnh vực du lịch

Triển khai các nền tảng số phục vụ du lịch nhằm nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tại địa phương; tăng trải nghiệm, tiện ích cho du khách; thu hút lượng khách đến lần đầu và quay trở lại huyện đảo các lần tiếp theo ; tăng tiêu dùng của du khách. Cụ thể, triển khai các nền tảng số:

- Phục vụ giao dịch phổ biến trong hoạt động du lịch, như: Thuê xe, đặt phòng, thanh toán không dùng tiền mặt; quản lý việc check in khách sạn, check in khu điểm du lịch; hợp đồng tour, kế hoạch tour điện tử; chuỗi liên kết giảm giá khuyến mại, các chương trình ưu đãi xúc tiến du lịch nhằm thu hút khách quay lại nhiều lần.

- Phục vụ công tác quản lý nhà nước, như: Số liệu báo cáo, thống kê liên quan đến hoạt động du lịch của các ngành chức năng (lưu lượng du khách, đăng ký lưu trú, công suất phòng được khai thác, chi tiêu của du khách, thu thuế,…).

3. Chuyển đổi số lĩnh vực y tế

- Triển khai 100% cơ sở khám, chữa bệnh có bệnh án điện tử; 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% thanh toán không dùng tiền mặt trong y tế; đăng ký khám và tư vấn khám từ xa, hướng tới bác sỹ gia đình (mỗi người dân trên đảo đều có thể có liên kết với bác sỹ của mình trên nền tảng số).

- Hình thành kho dữ liệu y tế của huyện đảo theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và chuẩn quốc tế; sẵn sàng liên thông dữ liệu quốc gia và quốc tế theo tiêu chuẩn HL7([1]), tạo tiền đề cho du lịch chăm sóc sức khỏe, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam chăm sóc sức khoẻ và du lịch.

4. Chuyển đổi số lĩnh vực thể thao

Triển khai các các nền tảng số để quản lý, tổ chức và phát triển các môn thể dục thể thao trong cộng đồng gắn với hoạt động du lịch. Trọng tâm triển khai các nền tảng số phục vụ tổ chức các giải phong trào, giải đấu truyền thống.

5. Triển khai sử dụng vé điện tử

[...]