Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2021 về Bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao vùng Tây Bắc tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 247/KH-UBND
Ngày ban hành 27/05/2021
Ngày có hiệu lực 27/05/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/KH-UBND

Lào Cai, ngày 27 tháng 05 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN GIỐNG NÔNG NGHIỆP ĐẶC SẢN CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO VÙNG TÂY BẮC TỈNH LÀO CAI, GIAI ĐOẠN 2021-2025

Căn cứ Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy ngày 11/12/2020 về Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025; Thông báo số 378-TB/TU ngày 19/5/2021 của Thường trực Tỉnh ủy về việc điều chỉnh Dự án Bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản giá trị kinh tế cao vùng Tây Bắc tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản giá trị kinh tế cao vùng Tây Bắc tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hoá các nội dung để triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Tỉnh ủy ngày 11/12/2020 về Phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025;

- Trên cơ sở phát huy lợi thế sẵn có của địa phương để bảo tồn và phát triển các giống nông nghiệp đặc sản có giá trị, tạo ra sản phẩm hàng hoá chủ lực theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp bền vững;

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030; Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Yêu cầu

- Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh: UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tích cực xây dựng, phê duyệt Kế hoạch/Dự án triển khai theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Việc triển khai thực hiện đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của đề án, kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Bảo tồn, lưu giữ và phát triển nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tạo được nguồn quỹ gen, chủ động nguồn giống gốc bản địa phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống.

Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền về bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống nông nghiệp nhằm nâng cao ý thức cho người dân trên địa bàn.

Khai thác, phát triển các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa kết hợp với hoạt động du lịch nông nghiệp; đào tạo, nâng cao năng lực cho học sinh, sinh viên về công tác bảo tồn nguồn gen và bảo vệ môi trường sinh thái góp phần thực hiện thành công Đề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025 mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

2. Mục tiêu cụ thể

(1) Điều tra, thu thập và lưu giữ nguồn gen đối với giống lúa, cây ăn quả, dược liệu, rau, hoa, chè, thủy sản và vật nuôi có giá trị kinh tế, giá trị sử dụng cao.

(2) Tập trung lưu giữ và phát triển các giống cây trồng (lúa Khẩu Nậm Xít, nếp Khẩu Tan Đón, nếp Mường Bo; su hào ngồng, cải mầm xoè, hoa địa lan Trần Mộng Xuân; chè Shan cổ thụ; mận Tả Van, mận Hậu, mận Tả Hoàng Ly, Lê địa phương; cây dược liệu (Tam thất hoang, Thất diệp nhất chi mai, Lan Kim Tuyến, Hoàng liên ô zô, Hoàng liên chân gà, Hoàng liên gai, Sâm Ngọc Linh, Sâm Vũ Diệp); 02 giống vật nuôi (lợn đen bản địa, Vịt bầu Nghĩa Đô); giống thủy sản (cá Chiên, cá Lăng chấm, cá Bỗng, cá Hoa, cá Chày đất, cá Anh Vũ) là sản phẩm đặc hữu có giá trị kinh tế cao.

(3) Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen đối với các loại giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo 3 hình thức:

- Lưu giữ, bảo tồn tại cộng đồng thông qua các hoạt động tự sản xuất của người dân, các cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, bảo vệ khu sinh sản, bãi đẻ…

- Tại các cơ sở nuôi trồng tập trung thông qua các hình thức như: Lưu giữ trên vườn thực vật, nghiên cứu chọn lọc, phục tráng và lưu giữ trong phòng với hệ thống bảo quản lạnh sâu đối hạt giống cây trồng và nuôi cấy mô; lưu giữ tại các vườn tiêu bản, vườn thực vật của Trung tâm giống Nông nghiệp Lào Cai, vườn quốc gia Hoàng Liên, khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống đối với các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hình thức thông thường. Đối với giống hoa địa lan Trần Mộng Xuân và 02 giống dược liệu (tam thất, thất diệp nhất chi mai) xây dựng quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô tế bào.

4) Phát triển nguồn gen các loại giống nông nghiệp phục vụ cho sản xuất hàng hoá, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

5) Nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật (các Trại nghiên cứu, Trung tâm lưu giữ bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản tập trung; phòng nuôi cấy mô, kho bảo quản, các máy móc, thiết bị kỹ thuật,…).

6) Đào tạo, tập huấn cho người dân, học sinh, sinh viên và người dân cộng đồng về công tác lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản bản địa để người dân tự bảo tồn, phát triển.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

A. HOẠT ĐỘNG LƯU GIỮ, BẢO TỒN CÁC NGUỒN GEN

[...]